Hotline:
Banner
Tin Nóng

Chuyển tuyến vận tải từ bến xe Mỹ Đình về bến xe Nước Ngầm: Doanh nghiệp phản đối, sở - bộ chờ nhau!

07 Tháng Bảy 2016 10:37:15 SA

Moitruong24h - Với mục tiêu giảm ùn tắc, dẹp bến “dù”, Sở GTVT Hà Nội lên phương án chuyển một số tuyến vận tải khách liên tỉnh từ bến xe Mỹ Đình về bến xe Nước Ngầm. Tuy nhiên, kế hoạch này vấp phải sự phản đối quyết liệt của doanh nghiệp (DN) và Sở GTVT các tỉnh liên quan. Sau nhiều bàn bạc và họp hành, câu chuyện chuyển hay giữ nguyên các tuyến này vẫn chưa có hồi kết.


Chưa ngã ngũ chuyện đi hay ở của một số tuyến vận tải tại bến xe Mỹ Đình. Ảnh: T.L

Một quyết định hiểu theo hai hướng

Theo Kế hoạch số 1339/SGTVT của Sở GTVT Hà Nội gửi các sở GTVT địa phương và cơ quan chức năng, Hà Nội dự kiến sẽ điều chuyển luồng tuyến xe khách trong 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 dự kiến trong tháng 7.2016 hoặc tháng 1.2017 với các tuyến vận tải có cự ly 240km trở lên từ bến xe Mỹ Đình đi các tỉnh phía Nam điều chuyển về bến xe Nước Ngầm, với tổng số tuyến chuyển 75 lượt xe/ngày, chủ yếu là các tuyến Nghệ An, Hà Tĩnh, Đắk Lắk - Hà Nội... Giai đoạn 2 trong tháng 1.2017 hoặc tháng 7.2017, dự kiến điều chuyển các tuyến cự ly từ 145km trở lên từ Mỹ Đình đi Thanh Hóa về bến xe Nước Ngầm, với 68 lượt xe/ngày.

Nguyên nhân của việc điều chuyển này được khẳng định là để giảm thiểu tình trạng xe khách liên tỉnh chạy xuyên tâm góp phần giảm ùn tắc giao thông đồng thời thực hiện theo Quyết định số 2288/QĐ-BGTVT ngày 26.6.2015 khi hướng tuyến các tuyến phía Nam đi theo hướng quốc lộ 1, đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đi vào bến xe Nước Ngầm, Giáp Bát.

Bên cạnh đó, Sở GTVT Hà Nội nhận định tình trạng xe khách chạy sai tuyến, chạy vòng vo, dừng, đỗ, đón trả khách sai quy định xung quanh các bến xe, nhất là trước cổng bến xe Mỹ Đình, tuyến đường vành đai 3 trên cao, đường Phạm Hùng, đường Phạm Văn Đồng, đường Giải Phóng... gây xáo trộn giao thông nên cần điều chuyển luồng tuyến.

Tuy nhiên, lập luận của Sở GTVT Hà Nội vấp phải sự phản đối của DN cùng Sở GTVT các tỉnh có tuyến dự kiến điều chuyển như Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hoá.

Theo các DN, việc chuyển tuyến gây khó cho người dân khu vực Mỹ Đình khi phải mất tiền, tốn thời gian di chuyển hơn 10km trong thành phố và đẩy DN vào nguy cơ phá sản do mất khách. Các DN này cho rằng việc điều chuyển này có thể gây tắc đường thêm khi phải tăng các tuyến xe buýt, xe trung chuyển từ Nước Ngầm về Mỹ Đình. Liên quan tới vấn đề ùn tắc giao thông quanh bến xe Mỹ Đình, đại diện các DN thuộc tuyến bị điều chuyển như Hà Tĩnh, Thanh Hoá hay Gia Lai cho rằng “tắc đường là do tuyến khác”, những tuyến này chủ yếu là xe giường nằm chạy vào sáng sớm hoặc tối muộn - không phải là giờ cao điểm. Một DN ở Nghệ An còn đề nghị Sở GTVT xử lý nghiêm các DN có xe hoạt động sai luồng tuyến đón trả khách, không cho những DN làm ăn chộp giật kiểu này vào bến.

Tất cả các DN dự kiến bị điều chuyển đều xin ở lại bến xe Mỹ Đình và cho rằng giữ nguyên hiện trạng cũng là thực hiện theo Quyết định số 2288/QĐ-BGTVT về việc giữ ổn định tần suất phương tiện hoạt động đến năm 2020 đối với các bến xe: Giáp Bát, Mỹ Đình, Lương Yên.

Đi hay ở đều chưa ngã ngũ

Ngày 6.7, trao đổi với Báo Lao Động, ông Nguyễn Xuân Thuỷ - Vụ phó Vụ Vận tải - cho biết chưa thể đưa ra quan điểm của Bộ GTVT về vấn đề này vì còn chờ chỉ đạo. Ông Thuỷ cũng cho hay bộ chưa nhận được văn bản đề nghị của UBND TP.Hà Nội về vấn đề này, bởi thông thường việc điều chuyển luồng tuyến tại địa phương sẽ do TP quyết định và TP.Hà Nội chưa gửi phương án chính thức lên bộ.

Cùng ngày, ông Nguyễn Hoàng Linh - Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội - khẳng định sau khi gặp mặt lấy ý kiến của các DN và nhận được ý kiến của Sở GTVT các tỉnh liên quan, Sở GTVT Hà Nội đã báo cáo thành phố và TP chưa có chỉ đạo cụ thể. Trước đó TP chỉ đạo Sở GTVT lập kế hoạch điều chuyển theo Quyết định số 2288/QĐ-BGTVT của Bộ GTVT và sở đã lập kế hoạch cũng như lấy ý kiến các bên liên quan.

Khi được hỏi về chỉ đạo giữ ổn định tần suất phương tiện hoạt động đến năm 2020 đối với các bến xe cũng theo quyết định trên, ông Linh thừa nhận “đọc xong không biết phải làm thế nào”. Theo ông Linh, hiện do các tỉnh liên quan đều đã gửi văn bản không đồng ý với phương án điều chuyển, nên nếu muốn điều chuyển chỉ có thể dùng mệnh lệnh hành chính từ phía Bộ GTVT hoặc UBND TP chứ “Sở chỉ tham mưu”.

Tiếp xúc với chúng tôi, nhiều hành khách thường xuyên đi các tuyến vận tải có thể bị điều chuyển cho rằng, việc đổi tuyến sẽ gây khó cho người dân sinh sống ở phía tây thành phố.

 

Khánh Hòa

Nguồn: Báo Lao Động

  • Thích và chia sẻ bài viết :

Bình luân