Hotline:
Banner
Tin Nóng

Chịu nộp phạt để bức tử sông Hậu: Chuyện anh Chí Phèo

21 Tháng Bảy 2016 2:25:21 CH

Moitruong24h- PGS.TS. Đào Trọng Tứ: "Doanh nghiệp vi phạm môi trường cứ như anh Chí Phèo... người quản lý các doanh nghiệp vi phạm thì như một bà bán rau".

Nghịch lý phạt cho tồn tại

Xung quanh câu chuyện về hàng loạt các nhà máy dọc sông Hậu nộp phạt hàng trăm tỉ đồng mỗi năm về vi phạm môi trường song vẫn tiếp diễn tái phạm, PGS. TS. Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu (Mạng lưới sông ngòi Việt Nam) cho rằng, đây là câu chuyện "phạt cho tồn tại" vẫn tiếp diễn lâu nay và cần phải triệt để giải quyết.

Theo đó, PGS. TS. Đào Trọng Tứ nhận định, chất thải từ quá trình sản xuất giấy không qua xử lý gây ô nhiễm cực lớn. Một nhà máy giấy nhỏ nếu không thực hiện xử lý nước thải thì đã đủ giết chết cả một dòng sông. Kể cả các công ty được nhà nước thuê xử lý nước thải cũng sẵn sàng "xả trộm" ra môi trường.

Thực tế là chúng ta đang thả nổi cho các nhà máy này được vận hành theo kiểu "phạt cho tồn tại" tất yếu dẫn đến chuyện "nộp phạt để tồn tại".

Quản lý vận hành "phạt cho tồn tại", doanh nghiệp thực hiện "nộp phạt để tồn tại". Ảnh: Nhà máy giấy Lee&Man cạnh dòng sông Hậu.

Doanh nghiệp đương nhiên cần lợi ích kinh tế nên buộc giảm tối đa chi phí. Trong khi luật pháp chưa chặt thì đương nhiên sẽ khiến doanh nghiệp luồn lách để trục lợi.

Ông Tứ cho rằng, "phạt cho tồn tại" được thể hiện ở chỗ: Doanh nghiệp lén lút xả thải chưa qua xử lý ra sông. Nếu bị phát hiện, họ sẵn sàng nộp phạt theo đúng yêu cầu, miễn sao ông cho tôi được tiếp tục sản xuất.

"Doanh nghiệp sẵn sàng "đút tay" cho người giám sát, tôi được lãi được 20 đồng, tôi chịu phạt 10 đồng, như thế đã là nặng nề rồi, thôi thì xin cho lại được vận hành tiếp. Doanh nghiệp như vậy cứ như anh Chí Phèo. Chính vì lẽ đó, chúng ta đang phải trả giá", PGS. TS. Đào Trọng Tứ nhận định.

Nói về sự tồn tại của những doanh nghiệp nhỏ khi hệ thống vận hành xử lý nước thải quá đắt đỏ, PGS.TS. Đào Trọng Tứ cho rằng, nếu đã cho rằng hệ thống xử lý những chất thải sản xuất ra là đắt thì doanh nghiệp không cần tồn tại và yêu cầu xử lý đóng cửa sản xuất.

"Doanh nghiệp nói rằng tạo công ăn việc làm cho nhiều người, nhưng lại tổn hại tới sức khỏe của hàng vạn người khác không có liên quan. Doanh nghiệp Việt cũng vậy, nhỏ lẻ không đủ tiềm lực kinh tế có thể xoay sang lĩnh vực khác chứ không phải hóa chất, giấy, công nghiệp... Nếu người Việt không giữ môi trường cho chính mình thì công ty nước ngoài nào lại nhận giữ hộ? Theo tôi, nếu không đủ năng lực làm tới nơi tới chốn thì đừng làm", PGS.TS. Đào Trọng Tứ nhận định.

Bao giờ phạt đóng cửa nhà máy?

Nhắc tới pháp luật hiện hành về các hình thức xử phạt vi phạm môi trường, PGS.TS. Đào Trọng Tứ đưa ra các hình thức phạt doanh nghiệp rất đa dạng và có quy mô: Phạt cảnh cáo, Bắt buộc khắc phục hậu quả môi trường, Tạm thời đình chỉ hoạt động cho tới khi khắc phục xong hậu quả môi trường hay Đóng cửa sản xuất nhưng hạn mức để áp dụng các hình phạt này đối với doanh nghiệp là gì thì chưa cụ thể.

"Khi nào thì doanh nghiệp phải nhận hình thức đóng cửa nhà máy, ngừng sản xuất vĩnh viễn? Gây hậu quả tới môi trường tới mức nào mới buộc phải đóng cửa nhà máy... Đây là những vấn đề cần phải được quy định rõ ràng hơn và thắt chặt hơn chứ không để doanh nghiệp lách luật và làm liều", ông Tứ chia sẻ.

Bên cạnh đó, theo vị chuyên gia, hình thức xử phạt "buộc khắc phục hậu quả môi trường" cũng còn mơ hồ, chưa có cơ quan nào đánh giá.

Nguyên nhân do, một phần, chưa có quy định rõ về việc khắc phục tới khi nào thì đạt tiêu chuẩn, khi doanh nghiệp đơn lẻ hoặc các cụm nhà máy cùng vi phạm thì nghĩa vụ của từng doanh nghiệp tới đâu trong chuỗi khắc phục hậu quả này..., hai là năng lực thực thi pháp luật của các cơ quan nhà nước còn quá yếu kém.

PGS.TS. Đào Trọng Tứ so sánh câu chuyện người quản lý thiếu trách nhiệm với sức khỏe người dân mà đặt lợi ích lên trên với câu chuyện về người nông dân bán rau.

"Câu chuyện này chẳng khác gì câu chuyện của bà bán rau ngoài chợ hay người nông dân trồng hai luống rau để bán và để ăn trong ruộng nhà mình. Họ cũng không quan tâm xem đất nhà mình có bị ô nhiễm không mà chỉ quan tâm tới lợi ích từ doanh nghiệp, bao gồm cả lợi ích cho cá nhân", ông Tứ dẫn chứng.

Theo PGS.TS. Đào Trọng Tứ, vấn đề theo dõi bằng hệ thống thông tin rất đơn giản, theo dõi được số liệu ngay và phát hiện ngay từ khi doanh nghiệp bắt đầu vi phạm. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý có muốn làm hay không lại là câu chuyện khác.

 

 

 

 

Cúc Phương/ Đấtviệt

  • Thích và chia sẻ bài viết :

Bình luân