Moitruong24h - Với văn hoá người Việt, bên mâm cỗ có không ít "luật bất thành văn" và ở một góc nhìn từ người ngoài, chúng ta có câu chuyện dưới đây.
Từ chuyện "ăn trông nồi ngồi trông hướng", "kính trên nhường dưới" cho tới những việc "kính lão", mâm trên - mâm dưới... có thể thấy rằng văn hoá ăn cỗ của người Việt nói chung thực sự phong phú.
Đó là quy định, là phép lịch sự, là những nề nếp mà chúng ta được dạy từ khi còn là một đứa bé và giữ nguyên nó cho thế hệ sau.
Nhưng với từng đấy quy định, một bữa cỗ khi nhà có công chuyện dưới góc nhìn của người nước ngoài thì sao?
Câu chuyện được cho là do một chàng Tây kể lại về bữa cỗ của người Việt, tuy không mới nhưng hiện đang rất nóng trên mạng xã hội với tốc độ lan truyền chóng mặt
Câu chuyện được cho là do một chàng Tây kể lại về bữa cỗ của người Việt, tuy không mới nhưng hiện đang rất nóng trên mạng xã hội với tốc độ lan truyền chóng mặt.
Đoạn chia sẻ của anh chàng Tây như sau:
"Tất cả bọn họ hân hoan ngồi sà xuống nền nhà bày la liệt và lộn xộn các món thơm ngon, một số chồm người qua các đĩa đồ ăn để lấy cho mình gia vị và những thứ cần thiết.
Những người trung niên bắt đầu đào bới trong các đĩa đồ ăn lớn, lôi ra những thứ có lẽ là ngon nhất cho vào chén của những người già hơn. Một số người già sau khi nhận được miếng ngon bắt đầu cằn nhằn và lập tức chuyển chúng sang chén của mấy đứa con nít đang ngồi xung quanh.
Không khí rất ồn ào, ai cũng nói một điều gì đấy nhưng có vẻ không quan trọng.
Noi gương những người đàn ông, đám phụ nữ thì tay lôi ra từ đĩa hay dùng đũa khoắng vào trong các nồi to hơn tìm kiếm một vài thứ mong muốn. Khi vớt được một chùm trứng gà còn nhỏ, cả mấy người phụ nữ và đám con nít reo ồ lên.
Một trong số họ tiếp tục vớt đồ ăn trong các tô lớn, một số khác tỉ mẩn ngồi xé các chiến lợi phẩm để cung cấp cho lũ nhỏ.
Tôi thực sự không biết là bữa ăn đã bắt đầu hay chưa, khi người có vẻ lớn tuổi nhất ngồi rung rung chân liên tục và uống những ly rượu đục ngầu, một trong số họ lấy tay bốc một cây rau to, vặt lấy vài lá rồi ném cọng rau còn thừa trở về đĩa.
Số trẻ em vừa ăn vừa nói chuyện huyên náo và xô đẩy nhau rất hiếu động. Cứ mỗi lần mấy người đàn ông chọc đũa vào một đĩa xào thơm phức họ lại gào lên với những người xung quanh: Ăn đi, ăn đi.
Một phụ nữ đang múc đồ ăn cho chính mình chợt rụt phắt tay lại khi ai đó cũng thò đũa vào tô đồ ăn đó, chị ta có vẻ nhún nhường thái quá và hình như chưa ăn được bao nhiêu dù bữa ăn kéo dài đã gần 1 giờ đồng hồ, thời gian quá dài để bắt dạ dày phải liên tục nhận thêm đồ ăn.
Những vị cao niên được trọng vọng thấy rõ trong bữa ăn, họ ăn ít và thường xong đầu tiên. Một cô gái như từ dưới đất chui lên bưng đến một khay nước trà rất nóng kính cẩn mời những ông già.
Các ông mỗi người ngậm một cây tăm nhỏ xíu trong miệng liên tục cà qua cà lại như cách người ta sơn hàng rào không mỏi mệt, bắt đầu uống trà.
Một ngụm trà nuốt vào sau đó họ chép miệng liên tục, rồi một ngụm nữa súc ộc ộc trong khi đám đông vẫn miệt mài ăn và thả đồ ăn vào chén của nhau.
Chợt một người phụ nữ quát to với đứa nhỏ có lẽ là con, không hiểu chị ta nói gì, nhưng thằng bé ngồi thụt ra khỏi chiếc chiếu, bẽn lẽn cúi mặt.
Chị ta gầm gừ giật chén cơm trên tay nó, chan súp và lấy thêm các món khác còn lại trên mâm, dúi trở lại vào tay nó, miệng vẫn không thôi gầm gừ.
Sau này có dịp tiếp xúc với những người bạn Việt, tôi biết có một nguyên tắc trong bữa ăn với đám trẻ nít: lúc đầu họ khuyến khích chúng ăn nhanh ăn nhiều cho mau lớn.
Sau đó họ nói, ăn uống phải liên tục quan sát những người xung quanh và điều chỉnh hướng ngồi của mình cho hợp lý. Còn thế nào là hợp lý và quan sát những người xung quanh để làm gì thì mỗi bà mẹ dạy con một kiểu.
Ai đó sau khi mút đũa chụt chụt bỗng dùng chính đôi đũa đó gắp thả vô trong đĩa tôi một miếng thịt hình thù kỳ dị. Tất cả ồ lên: "Ngon lắm, ngon lắm". Tôi hơi ghê và băn khoăn liệu những thứ mà họ thấy ngon thì tôi có thấy ngon không?
Bằng sự thận trọng cần thiết, tôi hiểu rằng phải nhường nó cho người lớn tuổi. Miếng ngon đó đi lòng vòng rất lâu trong các đôi đũa ướt nhẫy, cuối cùng nó thuộc về người chủ thực tế của gia đình.
Một người đàn ông gầy và khắc khổ, vừa nhai nát nó, anh ta vừa rên rỉ trong miệng những lời bình luận thì phải.
Không ai nghe và cũng không ai trả lời, mọi người còn túi bụi thu gom các thứ cần thiết để cho vào một miếng "bánh đa" vừa được nhúng trong nước cùng với rau sống được vẩy lung tung ướt cả mặt người ngồi bên.
Ảnh minh họa
Cái chính rút ra được là: Có những thứ sẽ thừa rất nhiều, có những thứ bị thiếu ngay trong chục phút đầu.
Tôi cho rằng đây không chỉ là lỗi của đầu bếp, mà còn chính là lỗi của những người ăn, khi họ không chỉ ăn mà lại tự thấy có trách nhiệm thúc ép người khác phải ăn những món mình thấy ngon.
Và như tôi đã trải qua khi lấy một miếng ức con gà: "Đừng ăn! Đừng ăn! Không ngon! Không ngon!"... tức là ngăn cản người khách ăn một món mà chính họ bày ra đĩa vì nó... không ngon???
Khi bữa ăn kết thúc không ai dám động vào miếng "chả" cuối cùng nằm lại trên đĩa như kiểu nó bị tẩm thuốc độc, cũng không hiểu vì sao.
Ôi! Một phong cách ăn uống độc đáo! Dù sao tôi thấy bữa ăn của họ tuy căng thẳng, mất trật tự và vất vả quá mức nhưng cũng rất khó quên và rất thân mật với các nguyên tắc vừa mơ hồ vừa nghiêm khắc...
Theo Thế giới trẻ
17:14 05-09-2017
15:17 22-08-2017
14:11 16-01-2018
13:16 17-07-2016
11:11 18-12-2017
Bình luân