Hotline:
Banner
Tin Nóng

Ấm tình biển đảo dưới mái nhà chung

18 Tháng Bảy 2016 1:07:34 CH

Moitruong24h - Giữa lòng Thủ đô Hà Nội, có một không gian trưng bày Đá chủ quyền Quần đảo Trường Sa, như một minh chứng hùng hồn khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, một giá trị văn hóa bất biến của dân tộc ta trong suốt chiều dài lịch sử.

Trong không gian văn hóa đậm đà bản sắc của Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam - “ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc anh em, có một không gian trưng bày đặc biệt, không hào nhoáng, tráng lệ nhưng vô cùng trang trọng và ấm áp: Khi “đất tiền tiêu” về giữ hồn dân tộc.

Về với Thủ đô

Có lẽ trong tâm khảm của đồng bào các dân tộc Việt Nam, sẽ không bao giờ mờ phai khoảnh khắc của 5 năm về trước - ngày 28 tháng 8 năm 2011, nhân dịp kỷ niệm 66 năm cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh mùng 2 tháng 9, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt nam (Đồng Mô, Sơn Tây, hà nội), Bộ tư lệnh Quân chủng hải quân đã trao tặng 21 phiến đá chủ quyền của quần đảo Trường Sa cho đại diện cộng đồng 54 dân tộc anh em như một món quà thiêng liêng từ biển đảo của Tổ quốc thân yêu. Đó là khoảnh khắc đặc biệt, đón nhận và lưu giữ đá san hô - dấu ấn Trường Sa về với đất liền và hiện diện nơi “ngôi nhà chung” của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, chính là đưa đất thiêng nơi “tiền tiêu” về với lòng dân tộc, là chuyển lời nhắn nhủ của tổ tiên, của ông cha, của biết bao hương hồn các anh hùng liệt sĩ đến các thế hệ hôm nay và mãi mãi mai sau về ý thức trách nhiệm trong bảo vệ toàn vẹn chủ quyền và lãnh thổ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Sự hiện diện của những hiện vật đặc biệt ấy tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam cũng làm cho “ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc trở nên sống động và mang nhiều ý nghĩa. Không chỉ là nơi gìn giữ, phát huy những giá trị, tinh hoa văn hóa dân tộc, “Làng” còn góp phần giáo dục tinh thần yêu nước, tình đoàn kết gắn bó keo sơn và ý thức bảo vệ chủ quyền quốc gia dân tộc, chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Bởi, khi những “Trường Sa”, “Sinh Tồn”, “Song tử”… hiện hữu trong lòng dân tộc, giữa vòng tay đoàn kết của đồng bào, thì biển đảo quê hương sẽ trở nên gần gũi, thân thuộc và gắn bó hơn với đồng bào mỗi dân tộc, với mỗi du khách thập phương.
“Tiếp lửa” cho biển đảo quê hương

Vinh dự và tự hào khi được là một trong các đơn vị tiếp nhận đá chủ quyền Trường Sa, đồng thời nhận thức sâu sắc vai trò, trách nhiệm của mình trong giáo dục, tuyên truyền về chủ quyền quốc gia dân tộc nói chung, chủ quyền biển đảo của Tổ quốc nói riêng, những năm qua, trong quá trình hoạt động của mình, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã chủ động, tích cực thiết kế, xây dựng nhiều chương trình hoạt động hướng về biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Tiêu biểu là sự kiện “Đại gia đình các dân tộc Việt Nam với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, tổ chức cho đông đảo các tầng lớp nhân dân, cộng đồng các dân tộc, lực lượng vũ trang, học sinh, sinh viên… khi đến tham quan tại “Làng” tham gia ký tên mình vào tấm bản đồ Việt nam có kích thước 680m2 (rộng 20m, dài 34m), xác lập kỷ lục Việt Nam là tấm “bản đồ Việt Nam có nhiều chữ ký nhất” để biểu thị lòng yêu nước, yêu chuộng hòa bình, thể hiện tiếng nói của toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung, bảo vệ chủ quyền biển đảo nói riêng.


Các chiến sĩ hải quân ký tên trên tấm bản đồ Tổ quốc mang hình dáng đất nước, biển đảo thân yêu tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ảnh: Thanh Hà.

Ấm tình dân tộc

Hoạt động giới thiệu, quảng bá về đá chủ quyền Trường Sa thực sự đem lại hiệu quả thiết thực trong khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Không gian trưng bày 21 phiến đá chủ quyền luôn là điểm đến không thể bỏ qua của mỗi du khách khi đến với Làng. Bởi với mỗi người Việt Nam, đá chủ quyền không đơn thuần là món quà từ biển đảo, mà trầm tích trong từng vỉa san hô ấy là cả chiều dài của lịch sử, văn hóa dân tộc, là chiều sâu của cốt cách và tâm hồn Việt Nam, là sự hy sinh máu xương của nhiều thế hệ đã ngã xuống vì nền độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.


Không gian trưng bày đá chủ quyền Trường Sa tại "Ngôi nhà chung".

Và trong không gian ấy, họ được đến với Trường Sa, đến với biển đảo thiêng liêng, được thể hiện tình yêu Tổ quốc của mình, được “tiếp lửa” cho những chiến sĩ đang ngày đêm canh giữ biển đảo quê hương như em Trần Tuấn Việt, sinh viên Trường Đại học Quốc gia Hà Nội tự hào chia sẻ: “Thanh niên chúng em luôn dạt dào trách nhiệm và tình yêu Tổ quốc, yêu biển đảo quê hương, nhưng không phải ai cũng may mắn được đặt chân đến những vùng biển đảo xa xôi của Tổ quốc để thể hiện trách nhiệm và tình yêu ấy”

 

 

 

Trần Đăng Hiệp/Làng Việt Online

  • Thích và chia sẻ bài viết :

Bình luân