Hotline:
Banner
Tin Nóng

32% thí sinh từ chối đại học: “Cuộc chiến” giành giật thí sinh sẽ khốc liệt?

24 Tháng Sáu 2016 11:32:44 SA

Moitruong24h - Năm nay, số thí sinh (TS) dự thi chỉ để xét tốt nghiệp, không xét tuyển ĐH-CĐ lên đến 32%. Trong khi Bộ GD-ĐT cho rằng, đó là một điều đáng mừng thì nhiều trường lại tỏ ra lo lắng vì không tuyển được thí sinh.

Thí sinh không thi đại học tăng đột biến tại nhiều tỉnh thành

Tại Hà Nội, số thí sinh chỉ đăng ký thi tốt nghiệp, không thi đại học là 16.390 em. Số lượng các môn là: Toán: 16.381 thí sinh, Vật lý: 620; Hóa học: 714; Sinh học: 1.730; Ngữ văn: 16.164; Lịch sử: 2.868; Địa lý: 14.306; tiếng Anh: 11.935; tiếng Nga: 3; tiếng Nhật: 6.

Theo ông Ngô Văn Chất - Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT Hà Nội, năm học này, lượng thí sinh chỉ đăng ký thi tốt nghiệp tăng cao so với năm ngoái (11.000 em). Điều này do học sinh đã xác định về khả năng bản thân và nhu cầu lựa chọn công việc trong tương lai.

Theo thống kê của Sở GD&ĐT Hòa Bình, 70% thí sinh không thi đại học, cụ thể là 5.600 thí sinh (trong tổng số 8.100 em). Tỷ lệ này tăng 10% so với năm ngoái.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hòa Bình cho biết, vì thuộc tỉnh miền núi nên học sinh ở đây có nhu cầu học đại học, cao đẳng không nhiều.

Lượng thí sinh không tham gia thi đại học khiến nhiều trường ĐH lo lắng. (Ảnh minh họa)

Còn tại Nghệ An, năm nay, số thí sinh không đăng ký thi đại học tăng. Trong hơn 31.700 thí sinh sẽ tham gia kỳ thi THPT quốc gia có 12.110 em dự thi chỉ để xét tốt nghiệp.

Ông Thái Huy Vinh, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết, hiện tượng nhiều học sinh ra trường không kiếm được việc làm là nỗi lo của nhiều gia đình và trăn trở của những người làm quản lý giáo dục địa phương.

Đề cập tới vấn đề trên, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Bùi Văn Ga cho rằng, điều này cho thấy ý thức học sinh đã tốt hơn, các em không chọn học ĐH là con đường duy nhất như nhiều năm trước.

Cùng chung nhận định, PGS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT khẳng định, tỷ lệ học sinh thi ĐH giảm là tín hiệu đáng mừng, cho thấy phần nào đánh giá về bằng cấp đã thay đổi.

Sống mòn chờ đợi thí sinh hay quyết sinh tử?

Trước tình trạng nhiều thí sinh không thi đại học, hiệu trưởng một trường ĐH ngoài công lập của Hà Nội cho rằng, mùa tuyển sinh năm nay thực sự là một mùa tuyển sinh gian nan để có thể tuyển đủ thí TS.

Cùng chung nỗi lo về thiếu thí sinh, lãnh đạo một trường CĐ cũng cho biết, 3 năm nay, lượng TS xét tuyển vào trường giảm mạnh. Cán bộ của trường phải đi khắp các tỉnh miền núi để tìm kiếm TS, mở lớp đào tạo và nếu tiếp tục tình trạng này, trường sẽ đứng trước nguy cơ đóng cửa.

Còn theo một chuyên gia tuyển sinh, trước mắt, các trường ngoài công lập, các trường tốp dưới là một mùa tuyển sinh không hề dễ dàng. Điều này dự kiến sẽ dẫn đến việc các trường chia làm hai nhóm, một nhóm vì quyết sinh tử nên sẽ tuyển vượt chỉ tiêu và chấp nhận bị phạt chỉ tiêu vào mùa sau; một nhóm chỉ biết “sống mòn” chờ đợi TS.

GS Trần Hồng Quân - Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam - cho rằng xu hướng tất yếu của các trường nhiều năm không tuyển đủ người học sẽ là sang nhượng trường hoặc là sáp nhập trường. Đây là điều không tránh khỏi trong quá trình hoạt động để tồn tại của các trường.

Vị này cũng cho rằng tương lai của các trường sẽ do thị trường đánh giá, nếu đào tạo tốt, chất lượng nguồn nhân lực được xã hội chấp nhận thì sẽ tồn tại và ngược lại. Đây chính là thời điểm mà các nhà đầu tư phải thay đổi để nâng cao chất lượng thay vì chỉ nghĩ đến thu lợi nhuận mà không muốn đầu tư.

 

 

An Thiên/Pháp Luật Plus

  • Thích và chia sẻ bài viết :

Bình luân