Một hầm lò khai thác than không số hiệu!
Lò than không phiên hiệu của Công ty than 91 tại rừng Yên Tử.
Theo nguồn tin của ông Đ, một người dân sống tại thành phố Uông Bí, Quảng Ninh cho biết: “Nhiều năm nay, ở rừng quốc gia Yên Tử diễn ra tình trạng khai thác than trái phép. Trong đó, có Công ty TNHH MTV 91 - thuộc Tổng Công ty Đông Bắc (sau đây viết tắt là Công ty than 91) đã mở một hầm lò than “bất hợp pháp” nằm trong rừng quốc gia Yên Tử. Không chỉ có vậy, Công ty này còn “móc ngoặc” với đơn vị quản lý lâm trường, kiểm lâm để chặt cây rừng, san ủi gần chục hetta đồi rừng để khai thác trên 100.000 tấn than lộ thiên trái phép bán ra ngoài, chia chác cho nhau…”.
Lo lắng trước việc rừng quốc gia Yên Tử bị xâm hại, chúng tôi quyết định hành trình đi tìm sự thật. Tuy nhiên, hành trình trước mắt chúng tôi đầy hiểm nguy! Con đường độc đạo dài gần 5km vào khu vực khai thác than trái phép rất hiểm trở, với nhiều trạm bảo vệ nghiêm ngặt. Người lạ nếu qua mặt được đội “chim lợn” và các trạm bảo vệ đeo băng đỏ, thì cũng khó tìm ra điểm khai thác than trái phép nằm sâu trong rừng.
Sau nhiều ngày theo những đoàn xe “hồ vồ” vào “ăn” than rồi chở ra khu vực Cảng Điền Công, cũng có lúc chúng tôi phải đóng vai thành những công nhân mỏ thực thụ, mới tìm được những điểm khai thác than trái phép theo phản ánh.
Khoảng 10h30’, Trong vai người dân đi hái măng rừng, nhóm Phóng viên chúng tôi đã có mặt tại một cửa lò than không có số hiệu nằm trong khu vực rừng quốc gia Yên Tử và đã tận mắt chứng kiến hoạt động khai thác than ở đây. Những toa xe chở than cứ đều đặn, ì ạch cõng than trong hầm lò ra đổ xuống một sườn đồi dốc thẳng đứng.
Theo ghi nhận của chúng tôi cửa lò này không có bảng biển thông báothông tin. Chúng tôi hỏi chuyện những công nhân đang làm việc ở đây thì biết được một số thông tin: Lò than này có tên là cửa lò 265, cách chùa Đồng (Yên Tử) 2km và lò than cũng đã đào được 2km (!) Cửa lò than bí hiểm này lúc nào cũng đóng kín, nó chỉ mở cửa khi có những gòng than chạy từ trong ra đổ than xuống, rồi lại đóng lại khi những gòng sắt không quay trở vào.
Thông tin trên khiến cho chúng tôi lo ngại! Liệu cái lò than của Công ty than 91 này có “ăn” thẳng về chùa Đồng hay không? Nếu mà đi thẳng về chùa Đồng thì Yên Tử, chốn tâm linh và sinh thái, báu vật vô giá của tạo hóa và lịch sử dân tộc trao tặng cho Quảng Ninh đang bị xâm hại nghiêm trọng?
Bí mật chụp một số ảnh làm tư liệu, chúng tôi tiếp tục sang một đại công trường khai thác than lộ thiên trái phép cách đó chừng 1km.
Gần chục heta rừng bị phá để múc than!
Gần chục ha rừng Yên Tử đã bị san ủi khai thác than lộ thiên.
Tranh thủ giờ nghỉ trưa, chúng tôi băng qua một con suối nhỏ đi về hướng đông nam. Chúng tôi bất ngờ phát hiện cả một khu đồi rừng Yên Tử rộng lớn mênh mông đang bị băm vằm, san ủi mặt bằng để tạo khai trường khai thác một vỉa than lộ thiên rất lớn. Nhiều quả đồi đã bị xẻ thịt! Mầu đất đỏ lạc lõng nằm trơ giữa rừng xanh Yên Tử.
Đi sâu vào bên trong khai trường, chúng tôi ghi nhận được chiếc máy múc hiệu Volvo và xe tải mang lô gô của Công ty than 91 nằm cạnh ngọn núi bị bóc mất một nửa! Tiến sát vào ngọn núi, chúng tôi thấy một vỉa than đen bóng ánh kíp lê đang bị khai thác dở. Vỉa than lộ ra này ước tính có chiều dài hơn 30m, chiều rộng khoảng 3m. Lớp đất đá, cây rừng phủ phía trên vỉa than chỉ khoảng 1,5 đến 2m.
Qủa đúng như phản ánh của người dân: Theo quy định, Công ty than 91 chỉ chuyên khai thác than hầm lò, không được khai thác than lộ thiên. Nhưng với chiêu bài “xin” nắn, hạ độ dốc mở đường tránh vào khu mỏ 300 và việc hoàn nguyên bãi sạt lở, doanh nghiệp này đã bốc hót hàng ngàn mét khối đất đá để khai thác trên 100.000 tấn than lộ thiên trái phép bán cho các cá nhân, doanh nghiệp bên ngoài, núp bóng dưới hình thức bán xít than. Ban ngày, Công ty than 91 cho thiết bị chuyên dùng để đào than lộ thiên, ban đêm tổ chức cho doanh nghiệp, tư nhân, gồm: ông Đông, ông Nhạc, ông Sáng, ông Hạnh, ông Nghĩa, ông Tâm, ông Đạt, ông Dũng ở thành phố Uông Bí và thị xã Đông Triều cho xe tư nhân vào lấy than chở xuống cảng ở khu vực Điền Công và một bãi tập kết than trái phép tại một vạt rừng hoang vắng trên địa bàn xã Hoàng Quế (thị xã Đông Triều)…. rồi bán lậu cho bên ngoài.
Bám theo những chuyến xe chở than, theo chỉ dẫn của người dân, nhóm phóng viên chúng tôi đã “tận mục sở thị” một bãi tập kết than trái phép rất lớn tại xã Hoàng Quế (thị xã Đông Triều). Bãi tập kết than trái phép này lúc nào cũng có một máy múc than và gần chục bào vệ mặc quần áo rằn ri, tay đeo băng đỏ. Khi phát hiện những chiếc xe lạ xuất hiện cùng máy camera, các bào vệ này lập tức lấy vải bạt che 2 đống than lớn lại để cảnh giới…
Đừng để “hố tử thần” xảy ra ở Yên Tử?
Để xác minh thông tin lò than 265 của Công ty than 91 có được cấp phép hay không, chúng tôi đã làm việc với Ban quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử. Sau khi chúng tôi đưa ra thông tin có một cửa lò than của Công ty than 91 nằm ở rừng quốc gia Yên Tử, ông Phạm Văn Dược – Phó Giám đốc Ban quản lý cho biết: “Đấy đúng là cửa lò than 265 là của Công ty than 91. Cửa lò này theo như Công ty cho biết là được “cấp phép”. Tuy nhiên, theo ông Dược, để biết chắc chắn phải làm việc với Công ty than 91.
Tạm gác lại việc cửa lò 265 có được phép hay không, chúng tôi đặt vấn đề về việc cửa lò than này có nằm vào khu vực bảo vệ cảnh quan rừng quốc gia Yên Tử? Ông Dược thừa nhận “Điểm lò than 265 nằm cách đỉnh Yên Tử khoảng 2km và nằm trong khu bảo tồn cảnh quan cần được bảo vệ của Yên Tử”.
Chúng tôi hỏi ông Dược “Thông tin cho biết lò than 265 của Công ty than 91 đã đào được 2km, liệu có đào vào khu vực chùa Đồng hay không? Và với giấy phép khai thác thời hạn 15 năm đã được cấp, có ảnh hưởng đến độ an toàn cho khu di tích Yên Tử không?” Ông Dược cho biết: “Việc này chúng tôi sẽ đề nghị cơ quan chức năng kiểm tra cụ thể về hiện trạng thực tế họ đã khai thác được bao nhiêu km hầm lò, sản lượng than đã khai thác? Hướng khai thác trong những năm tiếp theo sẽ là thế nào (?)… mới xác định được. Việc đảm bảo tuyệt đối an toàn cho khu cảnh quan Yên Tử phải đặt lên hàng đầu…”.
Cũng theo ông Dược, có nhiều đơn vị xin khai thác than ở khu di tích Yên Tử, nhưng không được cấp phép. Năm 2008, Công ty than 91 có xin mở một cửa lò cách cửa lò 265 hiện nay 1km, nhưng Ban quản lý phản đối nên phải dừng lại vì nằm sâu trong khu di tích…
Vậy lò than 265 của Công ty than 91 có được phép hay không? Và có ảnh hưởng đến rừng quốc gia Yên Tử hay không? Nhóm phóng viên chúng tôi đã trực tiếp gặp Thượng tá Đỗ Mạnh Khảm – Chủ tịch, kiêm Giám đốc Công ty than 91 và Đại tá Nguyễn Bảo Anh – Phó tổng Giám đốc Tổng công ty Đông Bắc. Nhưng chúng tôi chỉ nhận được những cái lắc đầu với đề nghị “bỏ qua, không viết phê bình, chỉ “xin” được viết về mặt tốt của doanh nghiệp quân đội này…”
Lâm nghiệp và Kiểm lâm có tiếp tay cho khai thác than trái phép?
Tại buổi làm việc với Công ty TNHH MTV Lâm Nghiệp Đông Triều, ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Công ty cho biết: “Hai tháng trước đây, chúng tôi đã kiểm tra, lập biên bản về việc san gạt mặt bằng, làm đường tránh nhưng chưa có hồ sơ thủ tục của Công ty than 91, nhưng họ không ký văn bản. Đến nay, Công ty than 91 cũng chưa chuyển các văn bản có được phép khai thác than lộ thiên cho chúng tôi. Đồng chí Mạnh – Phó Giám đốc Công ty than 91 nói với chúng tôi là xin mở đường tránh vào khu vực khai thác than (điểm 300) của họ chứ không có hoạt động khai thác than lộ thiên ở đây. Việc phá núi của Công ty than 91 là sai vì không được cấp có thẩm quyền cho phép. Nhưng việc làm sai này của Công ty than 91, chúng tôi cũng không lập biên bản mà chỉ nhắc nhở bằng mồm. Theo ước tính diện tích đất rừng bị Công ty than 91 san gạt là khoảng 5ha…”..
Phóng viên Báo BVPL tại vỉa than lộ thiên khai thác trái phép của Công ty than 91.
Khi phóng viên đưa ra những bằng chứng về việc khu vực san gạt mặt bằng của Công ty than 91 có than lộ thiên, ông Thành lung túng và nói sẽ phối hợp với Kiểm Lâm để đi kiểm tra ngay.
Làm việc với Hạt Kiểm Lâm thị xã Đông Triều, ông Nguyễn Văn Triển – Hạt trưởng cũng nói chẳng khác nào ông Thành – Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đông Triều. Hóa ra là hai ông này đều “vi hành” cùng nhau! Cho nên, ông Hạt trưởng thị xã Đông Triều cũng luôn miệng khẳng định Công ty than 91 san gạt đồi để làm đường đi cho đỡ trơn trượt chứ không hề khai thác than lộ thiên. Rằng, diện tích bị san gạt có diện tích khoảng 5ha, việc làm của Công ty than 91 là sai, nhưng ông cũng chỉ nhắc nhở bằng miệng!
Sau khi chúng tôi đưa ra tài liệu thể hiện có việc Công ty than 91 xẻ thịt đồi núi để lấy than lộ thiên, ông Triển mới “hạ giọng” quy trách nhiệm cho cấp dưới. “Nếu Công ty than 91 tổ chức khai thác than lộ thiên như vậy là hoàn toàn trái phép. Hành vi đó ngoài việc sẽ bị xử lý theo Luật lâm nghiệp còn bị xử lý theo Luật khoáng sản… Vậy mà các cán bộ Trạm kiểm lâm Bình Khê của chúng tôi ở đấy không thấy phát hiện, báo cáo gì?”.
Khi chúng tôi cho ông Triển xem ảnh chụp một cán bộ kiểm lâm đang cưỡi xe máy ở khu vực vỉa than lộ thiên trong rừng, thì ông Triển nhận ngay đó là ông Nhã – Kiểm lâm viên đang chuẩn bị được kết nạp Đảng của Trạm kiểm lâm Bình Khê. Trước những thông tin và hình ảnh khá “sốc” này, ông Triển đã khẳng định với phóng viên là sẽ bố trí lịch đi kiểm tra hiện trường sau 3 ngày nghỉ giỗ tổ Hùng Vương…”.
Hoàng Hưng/Báo bảo vệ pháp luật
17:14 05-09-2017
15:17 22-08-2017
14:11 16-01-2018
13:16 17-07-2016
11:11 18-12-2017
Bình luân