Moitruong24h - Mang nhiều lợi ích cho môi trường và sức khỏe con người nhưng việc sử dụng sản phẩm túi nilon tự hủy vẫn đang là điều khá mới mẻ với người dân Việt.
Một sản phẩm túi nilon tự hủy
Túi nilon – thảm họa môi trường
Theo các nhà khoa học, sự tồn tại của túi nilon trong môi trường sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đất và nước bởi khi lẫn vào đất sẽ ngăn cản oxy đi qua đất, gây xói mòn đất, làm cho đất bạc màu, không tơi xốp, kém chất dinh dưỡng, từ đó làm cho cây trồng chậm tăng trưởng.
Nghiêm trọng hơn, các nhà khoa học còn phát hiện ra rằng đất và nước bị ô nhiễm bởi túi nilon sẽ ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp tới sức khỏe con người.
Thực tế, nhiều loại túi nilon được làm từ chế phẩm dầu mỏ khi chôn lấp chúng dưới đất sẽ ảnh hưởng tới môi trường đất và nước. Nếu đốt chúng sẽ tạo ra khí thải có chất độc dioxin và fura gây ngộ độc, ảnh hưởng tuyến nội tiết, gây ung thư, giảm khả năng miễn dịch, rối loạn chức năng tiêu hóa và các dị tật bẩm sinh ở trẻ nhỏ…
Đặc biệt trong một số loại túi nilon có lẫn lưu huỳnh, dầu hỏa nguyên chất khi đốt cháy gặp hơi nước sẽ tạo thành a xít sunfuric dưới dạng các cơn mưa a xít rất có hại cho phổi.Tại nhiều quốc gia, túi nilon đã trở thành thảm họa môi trường
Sử dụng sản phẩm thay thế
Việc sản xuất được túi nilon thân thiện môi trường là một trong những giải pháp căn cơ loại bỏ dần túi nilon như hiện nay. Tuy nhiên sản phẩm thay thế này ngoài đảm bảo về vấn đề môi trường còn phải tiện lợi mới mong nhận được sự hưởng ứng từ người tiêu dùng.
Chính vì thế khoảng vài năm trở lại đây, thị trường rộ lên những thông tin về việc sản xuất bao bì tự hủy sinh học thay cho túi nilon thông thường để hưởng ứng lời kêu gọi bảo vệ môi trường.
Theo TS Nguyễn Trung Việt (Phòng Quản lý chất thải rắn, Sở TN&MT TP.HCM), túi nilon tự hủy được làm từ nguồn nguyên liệu hữu cơ (bột bắp, bột mì) dưới tác động của vi sinh vật, bao bì sẽ chuyển hóa thành những chất hữu cơ đơn giản, dễ hòa tan hoặc phân hủy thành khí carbonic và nước, không gây ô nhiễm môi trường.
Các nhà khoa học cũng nhận định tinh bột của gạo, ngô hoặc tốt nhất là hỗn hợp của cả 2 loại rất thích hợp làm chất độn khô trong sản xuất màng chất dẻo tự tiêu.
Một nhóm nghiên cứu khoa học của Trung tâm Nghiên cứu vật liệu polyme (Trường đại học Bách khoa Hà Nội) cũng chỉ ra rằng tinh bột là chất độn chính trong sản xuất túi nilon tự tiêu. Khi chôn túi xuống đất, các vi sinh vật sẽ ăn hết phần tinh bột, tạo thành lỗ thủng trên màng khiến chúng dễ bị phân hủy, đồng thời các nguyên tố kim loại hiếm trong đất giúp xúc tiến quá trình phân hủy màng polyme nhanh hơn.
Qua thí nghiệm cho thấy màng này có độ dai gần tương đương với các túi hàng chứa 6-7kg và sản phẩm túi nilon gói hàng này có khả năng phân hủy sau khi vùi trong đất từ 4-6 tháng.
Nâng cao tuyên truyền và chế tài
Trên thực tế, việc túi nilon tiện, rẻ và được cho không đã khiến người tiêu dùng thiếu cân nhắc khi sử dụng loại sản phẩm này. Mặc dù sử dụng nó người dùng thậm chí phải đối mặt với nhiều rủi ro về sức khỏe.
Bên cạnh đó, hiện chưa có chế tài này cấm, sử dụng túi nilon nên người tiêu dùng vẫn giữ thói quen sử dụng túi nilon thông thường, thậm chí túi kém chất lượng để giảm chi phí tiêu dùng.
Do vậy, hiện nay sản phẩm túi nilon tự hủy vẫn đang là điều khá mới mẻ đa phần do người dân vẫn chưa thể từ bỏ được thói quen cũ. Phần khác do giá cả cao hơn túi nilon thường và theo nhiều người loại túi này khó tìm ngoài thị trường.
Để tăng cường sử dụng các sản phẩm sinh thái, trong đó có sản phẩm túi nilon tự hủy, cơ quan nhà nước mở các đợt tuyên truyền sâu rộng về lợi ích của sản phẩm này.
Tại địa phương cần tiếp tục những chương trình phát túi sinh thái ở những nơi mà loại sản phẩm này được sử dụng nhiều như siêu thị và đưa sản phẩm này đến gần hơn với người tiêu dùng.
L.Nhi/monre.gov.vn
17:14 05-09-2017
15:17 22-08-2017
14:11 16-01-2018
13:16 17-07-2016
11:11 18-12-2017
Bình luân