Moitruong24h- Công nghệ ngày càng hiện đại, giá sản phẩm ngày càng giảm, khiến rác thải điện tử đang trở thành vấn nạn. Năm 2015, nước Mỹ có hơn 7 triệu tấn rác loại này được thu gom.
Ông John Shegerian, CEO của, Công ty chuyên tái chế điện tử (ERI) tại Fresno, California cho biết, tháng 4/2005, ERI mới chỉ thu gom và tái chế hơn 4,5 tấn/tháng rác thải điện tử thì sau 10 năm (4/2015) con số này đã là 907 tấn/tháng.
Xả rác điện tử là hợp pháp
Mỹ không có luật liên bang bắt buộc phải tái chế rác thải điện tử. Chỉ có 25 bang đặt ra quy định về thu gom và tái chế các sản phẩm điện tử đồng thời cấm xả rác điện tử. Còn ở 25 bang khác, việc xả rác thải điện tử lại hoàn toàn hợp pháp.
Mỹ là quốc gia phát triển duy nhất không ký hiệp định quốc tế về việc ngăn cấm các quốc gia phát triển xả rác điện tử vào các quốc gia đang phát triển. Điều này gây ảnh hưởng lớn tới các quốc gia như Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi.
Trong xưởng xử lý rác thải ở New York.
Ông John Shegerian cho biết, ERI là một trong những doanh nghiệp tái chế rác thải điện tử lớn nhất nước Mỹ. Nhưng để xử lý “đống bo mạch chủ, ổ cứng, bóng bán dẫn... thải khổng lồ này thì quả là một thử thách gian nan”. Điều đó đòi hỏi mỗi công ty xử lý rác thải phải có đầu tư lớn về xe thu gom rác, kho chứa, tuyển dụng công nhân, ký kết hợp đồng với chính phủ và hợp đồng bảo hiểm.
ERI có bốn xe tải tại thành phố New York chuyên thu gom rác thải điện tử mỗi ngày theo các lộ trình giống nhau trên cơ sở đàm phán trước với các quản lý tòa nhà. Hiện doanh nghiệp này đã ký kết hợp đồng với 5.558 tòa nhà tại thành phố này. Ngoài việc tái chế tại chỗ, doanh nghiệp còn làm mới các sản phẩm điện tử cũ để bán lại cho các nhà làm phim, nhà thiết kế.
Khu công nghiệp tại quận Bergen (thành phố New Jersey) là nơi tập kết các loại rác thải điện tử của ERI. Tại đây chúng được phân loại và đóng gói trước khi được vận chuyển tới các điểm tái chế. Chỉ có năm người làm việc tại kho Lyndhurst trong khu công nghiệp, bốc dỡ tới hàng trăm kg rác thải điện tử mỗi ngày.
Tuy nhiên ERI cho biết đang tìm kiếm một địa điểm có quy mô lớn hơn để có thể tái chế rác thải điện tử gần với thành phố New York hơn vì cước phí vận chuyển và giá nhân công là hai khoản chi tiêu lớn nhất của doanh nghiệp này.
Quy trình xử lý phức tạp
Thực ra, ERI có cơ sở tái chế rộng nhiều hecta ở Holliston, Massachusetts có thể xử lý mỗi ngày cả tấn máy tính bàn, laptop, điện thoại, máy in, hộp cáp, thiết bị video game, thiết bị mạng, điện thoại thông minh, đồng hồ thông minh…
Tại cơ sở tái chế này có khu hạ tầng rộng 40.000m2 với chức năng phân hủy rác thải. Kim loại và nhựa được tán vụn cho đến khi chỉ còn nhỏ như hạt cát tinh và được phân loại bằng lưới thép. Hàng chục túi nhựa có trọng lượng hàng chục kg được chất thành đống trong góc chờ được vận chuyển tới lò nhiệt cao.
Các công nhân đang thu gom rác thải điện tử lên xe đi xử lý.
Một khu khác chuyên xử lý phần cứng của các thiết bị điện tử. Để vào được khu bảo mật dữ liệu này, bạn phải được kiểm tra xem có mang theo kim loại hay không, tiếp đến phải vượt qua được khu vực an ninh. Tại đây các laptop được xếp chồng lên các kệ gỗ, được công nhân tháo dỡ, vệ sinh ổ cứng trước khi đưa tới khu phân hủy.
Đây cũng là nơi dữ liệu được xóa bỏ, sản phẩm được tân trang và hoàn tất công đoạn tái chế. Mất khoảng 10 giờ để xóa toàn bộ dữ liệu có dung lượng tới hơn 1.000 GB và ERI không chịu trách nhiệm trong trường hợp bỏ sót dữ liệu trên thiết bị.
Với cơ sở như tại Holliston, ERI có thể thu gom được hơn 7 tấn đồng, hàng trăm kg vàng, bạc mỗi tháng. Vậy những kim loại quý này được sử dụng như thế nào? Chúng được đưa đi nấu chảy.
ERI cho biết có thể tái chế 98% lượng rác điện tử thu thập được, chỉ duy nhất phần gỗ từ tivi thế hệ cũ, loa và các thiết bị khác là không thể tái chế. Doanh nghiệp bán các vật tư kim loại quý cho hai cơ sở nấu chảy là LS Nikko (ở Hàn Quốc) và công ty luyện kim Alcoa (ở Mỹ). Từ đó sẽ có thêm nhiều sản phẩm nguyên chất được kinh doanh trên thị trường.
Tuy nhiên giá cả đã biến động rất lớn kể từ khi thị trường bị suy thoái năm 2008. Có những thời điểm, đơn vị tái chế phải chi nhiều tiền hơn cho việc tái chế so với doanh thu từ việc bán sản phẩm tái chế.
Trong khi đó, không chỉ nước Mỹ, Ấn Độ cũng đang đối mặt với nguy cơ khủng hoảng rác thải điện tử. Một nghiên cứu cảnh báo, đến năm 2020, Ấn Độ - đất nước sản sinh rác điện tử lớn thứ 5 thế giới, có thể thải ra 5,2 triệu tấn rác thải điện tử so với mức 1,8 triệu tấn hiện nay.
Nghiên cứu do Hiệp hội Các Phòng thương mại và Công nghiệp Ấn Độ cho biết lượng rác điện tử của Ấn Độ tăng 30% hàng năm.
Theo nghiên cứu, tổng lượng rác thải điện tử trên toàn cầu dự kiến ở mức 130 triệu tấn năm 2018, so với mức 93,5 triệu tấn năm 2016. Mức tăng hàng năm là 17,8% trong giai đoạn từ 2016 đến 2018.
Trung Hiếu ( Tổng hợp)
Nguồn: Báo quốc tế
17:14 05-09-2017
15:17 22-08-2017
14:11 16-01-2018
13:16 17-07-2016
11:11 18-12-2017
Bình luân