Hotline:
Banner
Tin Nóng

Thị trường lớn của nhượng quyền thương mại

14 Tháng Bảy 2016 11:10:51 SA

Moitruong24h - Theo các nhà phân tích, Việt Nam đang là một thị trường rất có tiềm năng về nhượng quyền thương mại (franchise)

Đã có hàng chục thương hiệu đã được nhượng quyền và ngày càng nhiều thương hiệu mới thâm nhập thị trường Việt Nam trong thời gian 5 đến 10 năm nay. 

Số liệu từ Bộ Công Thương Việt Nam cho thấy, kể từ năm 2007, có hơn 144 hoạt động nhượng quyền thương mại nước ngoài được cấp phép tại Việt Nam.

Đứng đầu thị trường là Lotteria (có hơn 200 cửa hàng), KFC (hơn 140 cửa hàng), Jollibee (hơn 40 cửa hàng), Pizza Hut (hơn 40 cửa hàng), Baskin Robbins và Dominos Pizza.


Lotteria là một trong những thương hiệu được cấp phép nhượng quyền tại Việt Nam.

Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam Đinh Thị Mỹ Loan cho hay, với tỷ lệ tăng trưởng cao và dân số khoảng 90 triệu dân – trong đó người tiêu dùng trẻ tuổi chiếm khoảng 60% dân số; cùng với đó là các kênh thương mại hiện đại chỉ chiếm 25% kinh doanh bán lẻ thì Việt Nam là một thị trường bán lẻ thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.

Giám đốc công ty tư vấn nhượng quyền thương mại Việt Nam Sean Ngo nói rằng nhượng quyền thương mại ở Việt Nam được dự báo sẽ phát triển bền vững, nhất là khi Việt Nam tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN và ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do.

Ông Sean Ngo cho biết thêm: Ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống là các thương hiệu nhượng quyền phát triển mạnh, đặc biệt trong phân khúc thức ăn nhanh. Lượng tiêu thụ thực phẩm ở Việt Nam được dự báo tăng 61,6% từ năm 2012-2017, trong khi gần một nửa chi tiêu hộ gia đình là vào thực phẩm và đồ uống.

Người sáng lập tổ chức Bán lẻ và nhượng quyền thương mại châu Á Nguyễn Phi Vân nói nhượng quyền thương mại là một chiến lược chung mà các công ty chọn khi mở rộng hoạt động kinh doanh quốc tế.

Trong 10 tập đoàn thực phẩm hàng đầu, chỉ có 2 tập đoàn vẫn tự sở hữu hơn một nửa số cửa hàng bán lẻ.

Năm 2008, Burger King sở hữu 12% các cửa hàng của mình nhưng thị phần này bị giảm xuống còn 0,4% vào năm 2013 trong khi đó Subway không sở hữu bất kỳ cửa hàng nào, bà Vân cho hay.

Nhượng quyền thương mại có tiềm năng đáng kể trong nhiều ngành công nghiệp, ví dụ như ngành giáo dục và chăm sóc sức khỏe.

Nhưng để thành công, các doanh nghiệp nhận nhượng quyền thương mại cần phải bảo  đảm rằng họ có kế hoạch kinh doanh và quản lý tốt, bà Vân nói.

Sai lầm lớn nhất mà các doanh nghiệp nhận nhượng quyền thương mại Việt Nam mắc phải là họ đã dùng một lượng lớn tiền để mua mô hình thương mại được nhượng quyền nhưng lại không xây dựng cho mình một đội ngũ quản lý tốt để vận hành nó.

Bà Vân nói thị trường nhượng quyền thương mại ở Việt Nam vẫn còn sơ khai. Khi các công ty nhượng quyền nước ngoài vào Việt Nam,  các doanh nghiệp trong nước cần học từ họ cách tạo dựng các công ty nhượng quyền thương mại của chính mình trong tương lai.

Các công ty Việt Nam có thể trở thành các mô hình thương mại toàn cầu trong ngành công nghiệp thực phẩm nhưng yếu kém trong quản lý sẽ cản trở hoạt động kinh doanh của họ, bà Vân nói.

 

 

TG&VN/Nation Multimedia

  • Thích và chia sẻ bài viết :

Bình luân