Hotline:
Banner
Tin Nóng

Sốt xuất huyết bùng phát

05 Tháng Tám 2016 2:39:55 CH

Moitruong24h- Sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp tại khu vực Tây Nguyên và một số tỉnh khu vực phía Nam. Tính trung bình, số người mắc tăng 2,5 lần so với cùng kỳ năm trước. 

Tuy nhiên, cũng có địa phương ghi nhận ca mắc tăng cả chục lần trong khi công tác phòng chống vẫn dựa trên kêu gọi, vận động cộng đồng là chính.

Mở rộng địa bàn có dịch

Sốt xuất huyết diễn ra ở hầu hết các tỉnh, thành phố và thường tăng cao vào các tháng mùa mưa. Trong những tuần gần đây, số người mắc bệnh sốt xuất huyết tăng cao, tập trung tại một số tỉnh, đặc biệt là ở 4 tỉnh Tây Nguyên: Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum và các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định và TPHCM.

Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tính đến cuối tháng 7, 4 tỉnh Tây Nguyên là Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai và Kon Tum có gần 8.000 ca mắc, 4 trường hợp tử vong. Số người mắc tăng nhanh nên các bệnh viện đều rơi vào cảnh quá tải. Tình trạng nằm ghép giường, tận dụng cả hành lang làm phòng bệnh diễn ra ở nhiều hơi.

Tại Phú Yên có 1.556 ca mắc sốt xuất huyết phải nhập viện, tăng hơn 1.300 ca so với cùng kỳ năm 2015, trong đó riêng tháng 7 có 145 ca. Hiện thời tiết đang có chiều hướng diễn biến thất thường, tạo thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát sinh, làm tăng nguy cơ bùng phát thành dịch

Lâu nay, sốt xuất huyết là bệnh phổ biến ở hai miền Bắc - Nam, năm nay lại bùng phát ở Tây Nguyên do khu vực này đang vào mùa mưa cộng với hiện tượng El Nino làm tăng nhiệt độ trung bình đã tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi phát sinh phát triển. El Nino gây hạn hán trên diện rộng, làm cho các hộ gia đình tăng việc trữ nước tại các dụng cụ chứa nước, tạo thuận lợi cho muỗi đẻ trứng. Ngoài ra, khu vực Tây Nguyên không phải vùng lưu hành sốt xuất huyết phổ biến trong những năm qua, nên miễn dịch đối với sốt xuất huyết của cộng đồng ở mức thấp. Vì thế, khi xuất hiện dịch sẽ bị lây lan và bùng phát nhanh.

Người dân trong khu vực phần lớn là người dân tộc ít người, dân trí còn thấp, chưa chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.

Điệp khúc kêu gọi

Với gần 4.000 người mắc, Gia Lai là địa phương đứng đầu khu vực Tây Nguyên về dịch bệnh. Địa phương này đã ban bố tình trạng khẩn cấp và yêu cầu ngành Y tế phòng chống dịch bệnh cao độ. Theo đó, lãnh đạo tỉnh yêu cầu xác định các “điểm nóng” tập trung nguồn lực khẩn trương khống chế, dập tắt ngay các ổ dịch; kiên quyết không để dịch lây lan, phát triển. Tuy nhiên, với gần 120 ca mắc mới/ngày ở hầu hết thành phố, huyện thì việc ban bố tình trạng khẩn cấp hay phun hóa chất diệt muỗi, loăng quăng, bọ gậy thời điểm này cũng không thể làm giảm số người mắc và nhập viện.

Tại các địa phương khác, việc phòng chống dịch cũng là kêu gọi các đơn vị, đoàn thể và người dân cùng ra quân vệ sinh môi trường, diệt muỗi bọ gậy chứ chưa có quy chế rõ ràng quy trách nhiệm cho người đứng đầu địa phương. Với người dân, việc chủ động phòng chống bệnh dịch lại càng khó vì lâu nay quen việc có người hướng dẫn, làm giúp nhưng đây là bệnh xảy ra quanh năm và có thể bùng phát bất kỳ lúc nào lại đòi hỏi sự chủ động của mỗi người, mỗi gia đình.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Bộ Y tế tổ chức 8 đoàn công tác đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết tại 18 tỉnh trọng điểm ngay trong tháng 8/2016 trong đó quan tâm đặc biệt đến xử lý các dụng cụ chứa nước không đúng quy định, vỏ lốp xe công nông và các vật dụng phế thải chứa ổ bọ gậy... Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng đã có công văn đề nghị Chủ tịch UBND 10 tỉnh, thành phố có số mắc, tử vong cao cần tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các hoạt động phòng chống sốt xuất huyết tại địa phương.

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu cho rằng: Do có vắc xin phòng bệnh cũng như chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên sự tham gia tích cực và chủ động của cộng đồng, của hộ gia đình, sự chung tay của các ban, ngành đoàn thể, đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc của các cấp chính quyền trong công tác phòng chống dịch là yếu tố hết sức quan trọng để khống chế và kiểm soát bệnh dịch này tại các địa phương trên cả nước.

Những năm gần đây, sốt xuất huyết liên tục xuất hiện và diễn biến phức tạp tại Phú Yên. Hiện toàn tỉnh có gần 1.600 ca mắc. UBND tỉnh Phú Yên có văn bản nêu rõ, nếu để dịch sốt xuất huyết bùng phát, lan rộng, kéo dài, Chủ tịch UBND cấp huyện phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.


 

 

 

 

Ánh Hồng/ Giáo dục thời đại

  • Thích và chia sẻ bài viết :

Bình luân