Moitruong24h - Đất nước đối mặt nguy cơ một cuộc suy sụp toàn diện. Venezuela như quả bom trực chờ "phát nổ” thậm chí ngay cả khi cuộc trưng cầu dân ý về việc bãi nhiệm ông Maduro thất bại.
Nạn đói đeo đẳng, sự tuyệt vọng của các đám đông, rối ren và tội phạm lan tràn đang đe doạ đến số phận của chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro sau 3 năm cầm quyền. Phe đối lập đã phát động phong trào thu thập chữ ký để đề nghị phế truất ông Maduro.
Từ đói khát đến bạo lực...
Venezuela đang lún sâu vào cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong lịch sử nước này. Người dân thường ở đất nước giàu tài nguyên dầu mỏ này triền miên thiếu cái ăn. 3/4 các siêu thị trống trơn đã từng bị những đám đông đói khát xông vào cướp phá. Chính phủ Venezuela buộc phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Thực phẩm hiện nay được chuyên chở dưới sự bảo vệ của lực lượng có vũ trang và những mặt hàng nhu yếu phẩm được chia theo khẩu phần. Người dân phải xếp hàng hàng giờ và đôi khi là qua đêm để nhận được những thực phẩm cơ bản như gạo và dầu ăn.
Đói khát đã dẫn tới bạo lực và điều này được phản ánh qua các tin đưa về các cuộc cướp bóc xảy ra hàng ngày trên khắp đất nước Venezuela. Ông Jason Marczak, Giám đốc Sáng kiến Tăng trưởng Kinh tế Châu Mỹ La Tinh thuộc Trung tâm Châu Mỹ La Tinh Adrienne Arsht, cho biết: "Khi người dân thực sự đói và trẻ em chết lúc mới chào đời vì không có thuốc men chữa trị và khi cả những thứ cơ bản như thuốc hạ sốt, giảm đau Tylenol không có, thì nỗi lo sợ trong dân chúng là vô cùng lớn”.
Trong bản tổng quan tháng 4/2016, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính nước Nam Mỹ này có tỉ lệ tăng trưởng tồi tệ nhất thế giới là -8% và tỉ lệ lạm phát cao nhất trên thế giới là 481% trong năm 2016. IMF dự đoán tỉ lệ lạm phát tại Venezuela có thể leo lên mức kỷ lục 1642% trong năm 2017. Tỉ lệ thất nghiệp tại Venezuela hiện đứng ở mức 17% và có thể tăng gần 21% trong năm 2017 và gần 30% trong một vài năm tới.
Thảm hoạ từ đâu ra?
Chính phủ của ông Maduro đổ lỗi cuộc khủng hoảng này do Mỹ và giới chủ doanh nghiệp cánh hữu gây ra vì đã cắt giảm sản xuất để phá huỷ nền kinh tế. Ngoài ra, ông Maduro kế thừa từ cựu tổng thống quá cố Chavez một hệ thống quốc doanh đang tàn lụi và theo các nhà kinh tế ông Maduro cũng có những sai lầm làm tình hình trở nên nghiêm trọng hơn.
Cựu tổng thống Chavez gây dựng danh tiếng của mình bằng nguồn thu dầu mỏ và nợ nước ngoài và sử dụng hai nguồn này để trang trải tiêu dùng đồng thời tiến hành quốc hữu hoá trên 1200 công ty tư nhân được cho là không hoạt động phù hợp với lợi ích của công chúng. Song trong năm 2015, giá dầu giảm mạnh và hệ thống tài chính công liều lĩnh của Venezuela đã góp phần đưa nước này trở thành một "con nợ” rủi ro cao và qua đó chặn đường tiếp cận nguồn vốn quốc tế.
Chính phủ của ông Maduro đã đối phó với tình trạng thâm thủng tài chính công bằng cách in tiền, làm thổi bùng lên ngọn lửa lạm phát. Theo ước tính, chi phí mua các mặt hàng nhu yếu phẩm cho một gia đình trong một tuần đã tăng trên 25% trong hai tháng 3-4/2016 và hiện nay cao hơn mức lương tối thiểu của nhà nước 22 lần.
Nhà nước Venezuela đã cố gắng bán các mặt hàng lương thực cơ bản theo định mức và giá quy định, song kết quả là các mặt hàng này đơn giản được tuồn từ các cửa hàng ra ngoài chợ đen. Phe đối lập cho biết hệ thống phân phối thực phẩm trực tiếp đã bị chính trị hoá thông qua các uỷ ban địa phương do Đảng Xã hội Thống nhất Venezuela của ông Maduro quản lý.
Liệu ông Maduro có bị hạ bệ bởi một cuộc trưng cầu dân ý?
Phe đối lập đặt nhiều kỳ vọng vào cuộc trưng cầu dân ý về việc bãi nhiệm Tổng thống Maduro và đã khởi xướng phong trào thu thập chữ ký vào tháng 4 song Hội đồng Tuyển cử Quốc gia Venezuela đã đặt ra một loạt những trở ngại lớn để đề nghị này không được thông qua.
Khoảng 1,3 triệu dân Venezuela đã ký vào lá đơn yêu cầu bỏ phiếu mãn nhiệm Tổng thống, nhiều hơn quy định mà pháp luật đề ra 200.000 chữ ký song CNE đã bác bỏ 600.000 chữ ký và dòng người phải xếp hàng hàng giờ để được thẩm định chữ ký bằng cách quét dấu vân tay.
Và nếu họ đạt ngưỡng yêu cầu là 1% số cử tri thì họ cũng chỉ được phép tiến tới một lá đơn thứ hai và trong trường hợp này phe đối lập cần phải có gần 4 triệu cử tri để có thể đề nghị tiến hành một cuộc bỏ phiếu bãi nhiệm tổng thống. Vấn đề thời điểm cũng có ý nghĩa quan trọng. Nếu ông Maduro bị phế truất sau tháng 1/2017, thì theo luật pháp Venezuela phó tổng thống sẽ kế vị ông Maduro và như vậy quyền lực vẫn nằm trong tay Đảng Xã hội của ông Maduro.
Nền kinh tế Venezuela bên bờ vực phá sản
Trong khi đại đa số người dân Venezuela không có sự lựa chọn nào khác ngoài cách chịu đựng cảnh cơ cực kinh tế và xã hội mỗi ngày, thì Tổng thống Maduro dường như áp dụng chiến lược "đợi chờ" với hy vọng vào sự hồi sinh của thị trường dầu mỏ thế giới.
Theo ông Reggie Thompson, một nhà phân tích về Châu Mỹ La Tinh thuộc công ty tin tức tình báo địa chính trị Stratfor, giải pháp của ông Maduro không lâu bền bởi sau khi Anh quyết rời EU, giá dầu sẽ giảm sâu hơn nữa và điều đó sẽ tàn phá hơn nữa nền kinh tế Venezuela vốn lệ thuộc 95% vào doanh thu xuất khẩu dầu mỏ.
Ông Marczak kêu gọi thế giới tập trung ưu tiên vào những nhu cầu nhân đạo trước mắt cho Venezuela bởi quả bom cài giờ đang điểm song không ai có thể làm điều đó nếu chính phủ Venezuela không đề nghị trợ giúp.
Tuy nhiên, theo ông Thompson khả năng ông Maduro thay đổi đường lối của mình là rất mong manh vì ông Maduro "đang cố gắng bám chặt lấy quyền lực” và thừa nhận khủng hoảng có thể đe doạ trực tiếp đến quyền lực của mình.
Trong tương lai gần, cuộc khủng hoảng này có thể còn trầm trọng hơn. Chính phủ Venezuela đã buộc phải dùng vàng dự trữ để thanh toán nợ quốc tế và trang trải ít nhất một số mặt hàng nhập khẩu cơ bản, song nguồn dự trữ vàng này hiện nay đang cạn kiệt. Do vậy, ông Maduro phải tuyên bố vỡ nợ hay ngừng nhập khẩu thực phẩm. Cả hai phương án này đều ẩn chứa thảm hoạ.
Xuân Hương / Trí Thức Trẻ
17:14 05-09-2017
15:17 22-08-2017
14:11 16-01-2018
13:16 17-07-2016
11:11 18-12-2017
Bình luân