Hotline:
Banner
Tin Nóng

Ông “hội đồng” và chiếc xe tai tiếng

19 Tháng Sáu 2016 3:45:57 CH

(Moitruong24h) - Câu chuyện ông “hội đồng” Trịnh Xuân Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đi xe đắt tiền đăng ký biển trắng ở Thủ đô sau chuyển thành biển xanh của tỉnh Hậu Giang đang “nóng” lên tận “thiên đình” và hé lộ nhiều dấu hiệu bất thường.

Chiếc ô tô ông Thanh đang đi. Ảnh: vietnamnet.vn

Trong khi đồng bào và chiến sỹ cả nước đang phấn chấn học tập Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, đón nhận như làn gió mới thì câu chuyện “biển xe đổi màu” của ông “hội đồng” Thanh hé lộ trong xã hội ta đang còn nhiều việc cần làm ngay.

Ông Trịnh Xuân Thanh từng giữ chức Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (Tập đoàn Dầu khí Việt Nam), doanh nghiệp thua lỗ 3.200 tỷ đồng, sau đó ông được luân chuyển về Bộ Công thương rồi điều động giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang.

Ông Thanh trúng cử Đại biểu Quốc hội tại tỉnh Hậu Giang với tỷ lệ 75,28% và trở thành ông “hội đồng” có số phiếu cao hàng nhất tỉnh. Nếu ông không mang theo chiếc xe Lexus 570 có biển đăng ký Hà Nội 29A-79093 (biển trắng) vào Hậu Giang và chuyển thành biển xanh 95A-0699 thì chưa chắc ông đã “bị lộ”. Điều ngạc nhiên là: Với trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp, ông Thanh đã bị Thủ tướng Chính phủ yêu cầu kiểm tra, làm rõ trách nhiệm do làm ăn thua lỗ. Khi trách nhiệm chưa được làm rõ, thì ông được điều chuyển như đã nêu trên. Việc ông Thanh sử dụng xe đắt tiền gắn biển xanh đi lại trên một tỉnh nghèo chẳng những gây phản cảm, chạnh lòng với cán bộ và nhân dân Hậu Giang mà còn trái với nội dung học tập của cán bộ, viên chức về Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, trong đó có nội dung học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Biển xe “đổi màu” chỉ là giọt nước tràn ly của câu chuyện dài kỳ, trong đó có những phụ đề nghe đến chối tai: Xe ông Thanh mượn của một người bạn, người đó phải xa vợ con ở Thủ đô để vào tận Hậu Giang để lái xe cho ông Thanh và hưởng lương 3 triệu đồng/tháng. Sự thật có phải người này vào tận phương Nam mưu sinh bằng nghề lái xe hay không, khi chính người này có 4.000 cổ phiếu trong một doanh nghiệp mà ông Thanh đã từng làm sếp? Những dấu hiệu bất thường trên đường quan lộ của ông “hội đồng” đã được đích thân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng coi đây là việc cần làm ngay và chỉ đạo 9 cơ quan chức năng phối hợp làm rõ báo cáo Ban Bí thư trong nay mai.

Sự vào cuộc đồng loạt của nhiều cơ quan chức năng, câu chuyện của ông “hội đồng” Thanh sẽ sớm có hồi kết, nhưng dư luận đang đặt ra nhiều câu hỏi: Đại biểu Thanh đã trải qua 3 lần hiệp thương và rất thành công, vậy một quá khứ mà Thủ tướng Chính phủ yêu cầu làm rõ vẫn chưa được làm rõ? Tại sao các cơ quan thẩm định lại bỏ qua nhẹ nhàng một hồ sơ nhân sự như thế? Ông Thanh trúng cử với tỷ lệ cao nhất tỉnh bởi vì cử tri ở tỉnh Hậu Giang thiếu thông tin đầy đủ về vị dân biểu này. Và, thật đáng tiếc đó là những thông tin, những nét vẽ chân thật nhất về một chân dung con người. Trong bản lý lịch trích ngang cho các cử tri xem không hề có một chút quá khứ lăn tăn, gờn gợn nào, mà trái lại quá khứ tươi đỏ như phẩm nhuộm! Chính điều này đã làm tổn thương lớn những cử tri đã bỏ phiếu ủng hộ ông. Suýt nữa thì vì sự cả tin của cử tri mà ông “luồn sâu, leo cao” trong bộ máy công quyền.

Có 496 Đại biểu Quốc hội trúng cử khóa XIV, nếu chỉ một mình ông “hội đồng” Thanh tai tiếng thì quả là “con sâu làm rầu nồi canh”. Mong rằng không có ông “hội đồng” thứ hai như thế.

Đây là bài học đắt giá cho công tác giới thiệu nhân sự, sàng lọc, thẩm tra lý lịch không chỉ riêng đối với hoạt động bầu cử mà đối với nhiều lĩnh vực chọn lựa nhân sự khác.

 

Theo Thế Lữ/Thanh Tra CP

  • Thích và chia sẻ bài viết :

Bình luân