Hotline:
Banner
Tin Nóng

Nông Sơn, Quảng Nam: Hỗ trợ tiền tỷ, hàng nghìn hộ dân vẫn “khát”

12 Tháng Tám 2016 1:56:06 CH

Moitruong24h - Tình trạng thiếu nước sinh hoạt trên địa bàn huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam đã xảy ra từ nhiều năm nay và ngày càng gay gắt. Đời sống hàng ngàn hộ dân ở Nông Sơn bị ảnh hưởng do thiếu nước sinh hoạt. Huyện Nông Sơn đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp tạm thời để tìm nguồn nước sinh hoạt cho người dân.


Người dân phải đi chở từng can nước ngọt về sử dụng. Ảnh: Thành – Đại

Đi hơn 2km để lấy từng can nước sông

Xã Quế Trung, Quế Phước, Phước Ninh và Quế Lâm là những địa phương đang “khát” nước sinh hoạt nhất của huyện miền núi Nông Sơn. Thôn Dùi Chiêng 2, xã Phước Ninh có 64 hộ dân nằm ở dưới chân núi. Vào khoảng 5 giờ chiều hàng ngày, người dân trong thôn lại phải chạy xe máy mang theo những chiếc can nhựa 20 lít xuống thôn Bình Yên hoặc thôn Dùi Chiêng 1, cách đó hơn 2 km để mang từng can nước sông hoặc nước suối tự chảy về nấu ăn, phục vụ sinh hoạt. Huyện Nông Sơn đã hỗ trợ thôn Dùi Chiêng 2 hơn 200 triệu đồng để làm một giếng khoan có độ sâu 80m cùng với một bể chứa có dung tích 50m3. Vậy mà hiện nay, công trình đã hoàn thành nhưng vẫn chưa được bàn giao đưa vào sử dụng.

Ông Đoàn Ngọc Kim, Trưởng thôn Dùi Chiêng 2 cho biết, việc thiếu nước sinh hoạt đang ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống và sản xuất nông nghiệp của người dân trong thôn. Công trình nước giếng khoan dự kiến ban đầu bàn giao cho thôn từ tháng 5/2016, nhưng do nguồn nước giếng bị nhiễm phèn, có mùi hôi nên không thể dùng cho sinh hoạt. Toàn thôn có 5 giếng đào với độ sâu khoảng 10m nhưng vào mùa khô đều cạn trơ đáy. Do vậy, mỗi khi có trời mưa, người dân ở đây vui như “bắt được vàng”, tranh thủ tích nước mưa bằng tất cả các vật dụng có thể chứa nước.

Tại xã Quế Trung, huyện Nông Sơn, tình trạng thiếu nước cũng diễn ra phổ biến. Nhà máy cấp nước sinh hoạt Quế Trung được xây dựng từ năm 2004, gồm 2 máy bơm chính lấy nước từ sông Thu Bồn. Hiện nay, công suất thực tế của nhà máy nước này là 450m3/ngày đêm, chỉ đủ cung cấp nước cho các cơ quan chính quyền và 1/3 nhu cầu của các hộ dân ở khu vực trung tâm huyện Nông Sơn; còn lại người dân phải sử dụng nguồn nước sông, nước suối tự chảy dẫn về.

Chính quyền đầu tư tiền dân vẫn không có nước

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Thiện Thắng, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nông Sơn cho biết, do đặc điểm nhiều xã trên địa bàn huyện được hình thành ven sông Thu Bồn nên từ xưa đến nay nguồn nước sinh hoạt chủ yếu của người dân chính là nước sông. Những năm gần đây, nguồn nước sông dần bị ô nhiễm, người dân chuyển sang dùng nước giếng. Tuy nhiên, do địa hình vùng núi có nhiều lớp đá nên những giếng đào của người dân ở đây thường chỉ có độ sâu tối đa là 10m. Vào mùa mưa, các giếng này có nước đảm bảo cho người dân sử dụng, tuy nhiên vào mùa khô (cao điểm từ tháng 6 đến tháng 8 hàng năm) khi mực nước sông xuống thấp, nhiều giếng đào bị khô cạn. Đối với giếng khoan bằng máy, phải đạt độ sâu khoảng 80 m - 100m mới có nước. Tuy vậy, chi phí khoan giếng lên tới hơn một trăm triệu đồng nên trên địa bàn huyện Nông Sơn số giếng loại này chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Để giải quyết tình trạng thiếu nước tại nhiều “điểm nóng” trên địa bàn huyện, năm 2013 huyện Nông Sơn đã đầu tư 654 triệu đồng để làm 20 giếng đào, tuy nhiên hiện chỉ có 17 giếng có nước vào mùa mưa. Năm 2015, huyện tiếp tục đầu tư 925 triệu đồng để làm 5 giếng khoan cùng với bể chứa nước để phục vụ các nhóm hộ. Từ tháng 3/2016 đến nay, tỉnh Quảng Nam đã hỗ trợ 1 tỷ đồng để huyện Nông Sơn làm thêm 4 giếng khoan nhằm đáp ứng nhu cầu về nước của người dân.

Phó Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn Phạm Phú Thủy cho biết, huyện Nông Sơn phấn đấu đến cuối năm 2020 có 90% các hộ dân trong huyện được sử dụng nước sạch. Huyện đang khảo sát thực tế, xây dựng đề án cấp nước sạch trên địa bàn để xin ý kiến của lãnh đạo tỉnh. Tuy nhiên, đây là một mục tiêu lớn đòi hỏi sự quyết tâm rất cao của cả hệ thống chính trị trong huyện và sự giúp đỡ từ tỉnh. Huyện đang triển khai nhiều giải pháp để huy động đa dạng nguồn vốn đầu tư xây dựng các công trình nước sạch, trong đó có việc xã hội hóa lĩnh vực này.

 

 

 

 

Đỗ Trưởng/GĐ&XH

  • Thích và chia sẻ bài viết :

Bình luân