Hotline:
Banner
Tin Nóng

Nông dân áp dụng thử nghiệm phân bón thông minh

24 Tháng Bảy 2016 1:02:56 CH

Moitruong24h - Bước đầu, một vài nông dân áp dụng thử nghiệm phân bón thông minh (hay còn gọi phân tan chậm) nhận thấy mang lại hiệu quả nhất định trong sản xuất lúa.

Có 5 xã viên của Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp Tiến Cường (xã Phú Cường, huyện Tam Nông) đã được Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đồng Tháp kết hợp với Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long và Trường Đại học Cần Thơ chọn, sử dụng thử nghiệm phân bón thông minh trên 10.000m2 ruộng lúa vụ hè Thu năm 2016. Loại phân bón thông mình này, do Công ty Cổ phần Mỹ Lan và Công ty Rynan Agrifoods cung cấp không thu tiền và chuyển giao kỹ thuật, hướng dẫn nông dân sử dụng.


Diện tích lúa áp dụng thử nghiệm phân bón thông minh tại HTX Tiến Cường

Chúng tôi tháp tùng cùng ông Lê Thanh Hiệp - Giám đốc HTX Tiến Cường và một số nông dân của địa phương đi thăm ruộng và tận mắt chứng kiến cánh đồng lúa bạt ngàn đang chín vàng, trĩu hạt chuẩn bị đến ngày thu hoạch. Nông dân ai nấy đều tràn ngập niềm vui, bởi vì, lúa đang tăng giá và trà lúa phát triển tốt, hứa hẹn một vụ mùa bội thu.

Tại 2.000m2 ruộng lúa sử dụng thử nghiệm phân bón thông minh của nông dân Âu Văn Hùng, lúa đã oằn bông, chín vàng óng ánh đang đong đưa theo chiều gió. Nhìn trà lúa chỉ còn 3 ngày nữa là thu hoạch, ông Hùng vui vẻ cho biết, ông sử dụng giống lúa Jacmine để gieo sạ và thực hiện thử nghiệm phân bón thông minh. Ông Hùng dự đoán, sau thu hoạch sẽ đạt từ 550 - 600kg lúa/công.

Nói về sự khác biệt và lợi ích giữa phân bón thông minh với phân bón thông thường, ông Hùng phân tích: “Tôi thấy, sử dụng phân bón thông minh tiện lợi ở chỗ là chỉ bón 1 lần, khỏi cần bón lót hoặc bón các cử phân khác. Như vậy, giảm được chi phí bón phân. Hơn nữa, lượng phân bón cũng ít, chỉ bón có 37,5kg/công; còn bón phân thông thường khoảng 55kg/công và bón khoảng 6 đợt”.

Vụ hè thu 2016, nông dân Nguyễn Bá Luận được chọn thử nghiệm phân bón thông minh trên 2.000m2 ruộng lúa giống Jacmine cũng phấn khởi trước hiệu quả của việc áp dụng phân bón thông minh. Ông Luận nói: “Trước mắt, tôi thấy sử dụng phân bón thông minh nó lợi là giảm số lần rải phân trên diện tích lúa đang canh tác. Về giá trị bằng tiền thì giảm khoảng 50.000 đồng/công. Tôi thấy, phân bón thông minh không bị trôi rửa theo dòng nước hoặc bốc hơi lên trong không khí, từ đó giảm ô nhiễm môi trường cũng như giảm gây tác hại đến nguồn lợi thủy sản”.

Nông dân Trần Đức Vĩnh đang canh tác lúa gần với diện tích lúa đang áp dụng thử nghiệm phân bón thông minh của HTX Tân Cường, ông đưa ra nhận định: “Tôi tìm hiểu giữa ruộng lúa bón phân thông minh và sử dụng phân bón thông thường, thì lúa có sự phát triển tốt hơn. Theo tôi, lúa bón phân thông minh màu sắc đẹp hơn, lúa chín đồng đều hơn… Sắp tới, nếu phía công ty đưa ra giá thành hợp lý thì tôi cũng tham gia sử dụng thử nghiệm”.

Bước đầu, hiệu quả khi thực hiện sử dụng thử nghiệm phân bón thông minh trên ruộng lúa tại HTX Tiến Cường, theo đánh giá của một số nông dân là có hiệu quả nhất định. Theo nông dân, lúa cứng cây, ít bị đổ ngã; tiết kiệm được chi phí đầu tư và công chăm sóc; không làm ảnh hưởng môi trường đất, nước và không khí; bảo vệ sức khỏe nông dân… Hiện tại, HTX Tiến Cường và nhiều nông dân lân cận muốn mở rộng diện tích lúa sử dụng phân bón thông minh, nhưng chưa biết giá bán là bao nhiêu, đang chờ từ phía nhà sản xuất là Công ty Cổ phần Mỹ Lan.

Ông Lê Thanh Hiệp - Giám đốc HTX Tiến Cường, cho biết: “HTX chọn ở những khu vực đất tốt, đất trung bình, đất xấu để khảo nghiệm phân bón thông minh. Bước đầu, tôi nhận thấy, 5 xã viên được chọn sử dụng thử nghiệm có hiệu quả. Từ đó, nông dân mong muốn phía công ty sản xuất phân để họ sử dụng tiếp và giá thành hợp lý”.

 

 

 

 

 

Dương Út/Báo Đồng Tháp

  • Thích và chia sẻ bài viết :

Bình luân