Hotline:
Banner
Tin Nóng

Ngôi làng độc đáo giữ rừng cây hàng trăm tuổi bằng hương ước

07 Tháng Tám 2016 9:51:42 CH

Moitruong24h - Trong khi nạn chặt phá rừng đang là vấn đề nhức nhối của nhiều địa phương thì tại một ngôi làng nhỏ thuộc huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế lại có một cách bảo vệ và giữ rừng vô cùng đặc biệt.

Để có được sự nhất quán, thực hiện nghiêm chỉnh việc giữ rừng, ngôi làng nhỏ này đã ban hành hương ước về việc chặt cây. Theo đó, khi chặt cây cổ thụ, người chặt không những bị phạt tiền mà còn bị đưa lên loa phát thanh xã. Nhiều năm qua, ngôi làng này đã phải đồng tâm hiệp lực chống lại những kẻ từ nơi khác đến trộm cây cổ thụ.

Bảo vệ rừng cây trăm tuổi bằng hương ước

Thôn Siêu Quần, xã Phong Bình, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế cách TP.Huế khoảng 40km nổi bật bởi dải rừng lộc vừng xanh mướt, hàng trăm năm tuổi. Đưa chúng tôi tham quan một vòng quanh thôn là 3 bậc cao niên nằm trong “Hội đồng” thôn Siêu Quần. Ba vị này nói rằng, bao đời qua, khu rừng lộc vừng (hay còn gọi là cây mưng) cổ thụ hàng trăm năm tuổi tại thôn luôn được bảo vệ nghiêm ngặt bằng hương ước.

Kể về lịch sử của rừng lộc vừng, ông Nguyễn Hiệu, Trưởng thôn Siêu Quần cho biết, thôn Siêu Quần khi xưa thuộc phủ Triệu Phong, trấn Thuận Hóa, được lập ra vào năm 1306. Những bậc tiền bối của thôn đã trồng cây lộc vừng tổ trên đất chùa ở thôn. Sau khi đắp đê ngăn mặn, nhận thấy lộc vừng có những đặc tính hợp với thổ nhưỡng, họ đã quyết định chọn giống cây này trồng đại trà trên những con đê để giữ đất, chắn sóng.


Những hàng lộc vừng xanh mướt chạy dọc cánh đồng làng Siêu Quần. Ảnh: Văn Nguyễn.

Theo chính quyền và người dân địa phương, ở thôn Siêu Quần có tới hàng nghìn cây lộc vừng cổ thụ, trải dài hơn 2km, tạo thành một vành đai vững chắc, che mưa, chắn bão cho người dân trong thôn. Để giữ được một khu rừng vô giá như thế này, người dân đã đưa việc gìn giữ rừng lộc vừng vào hương ước của thôn. Đồng thời, người dân phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng thành quy ước văn hóa để người dân thực hiện nghiêm túc. Mặc dù những năm gần đây, lộc vừng cổ thụ được giới chơi cây cảnh săn lùng, trả giá cao nhưng loại cây này ở Siêu Quần vẫn phát triển tốt, trở thành “lá phổi xanh” che chắn cho thôn. Đây là kết quả của sự đồng lòng, đồng sức và ý thức bảo vệ cao của dân làng. Thôn cũng đã thành lập một đội chuyên bảo vệ rừng làm việc trên tinh thần tự nguyện.


Ông Nguyễn Hiệu, Trưởng thôn Siêu Quần đang giới thiệu về bản hương ước của thôn Siêu Quần với PV.

Trao đổi với PV báo ĐS&PL, ông Nguyễn Ngọc Khánh, Chủ tịch UBND xã Phong Bình chia sẻ: “Xã Phong Bình có 5 làng, cả 5 làng đều có hương ước liên quan đến việc bảo vệ cây cổ thụ. Bản hương ước này, hàng năm vào ngày lễ tế của làng, những người từ 18 tuổi trở lên sẽ họp tại đình làng. Lúc này Trưởng làng sẽ dựa theo những ý kiến của số đông mà sửa đổi, bổ sung thêm vào bản hương ước. Riêng làng Siêu Quần, trong số 320ha rừng thì cây lộc vừng chiếm đến 70% diện tích. Đây là loại cây có giá trị cao nên từ lâu người dân làng này đã lập hương ước, trong đó có những quy ước vừa có tính nhân văn vừa có tính răn đe để bảo vệ. Hương ước làng Siêu Quần quy định, ai chặt hoặc đào bán lộc vừng trong làng sẽ bị phạt 500.000 đồng, bị nêu tên trên loa phát thanh xã, đồng thời phải có mâm trầu cau, rượu đưa ra đình tạ lỗi với dân làng”.

Còn rừng là còn làng

Từ bao đời nay, người dân làng Siêu Quần coi rừng cây là linh hồn của làng. Các thế hệ con cháu ra sức bảo tồn, phát huy bởi một quan niệm đơn giản nhưng không dễ thực hiện “còn rừng là còn làng”. Hương ước của làng đã và đang phát huy hiệu quả trong việc bảo vệ khu rừng ngày một xanh tươi. Đến bây giờ, mọi người dân từ bô lão đến trẻ em vẫn luôn truyền tai nhau câu chuyện về vị quan triều đình đã mang đến cho làng những ngọn cây đầu tiên, để rồi có được một rừng cây xanh mướt, vươn cao chắn gió.


Những cây lộc vừng cổ thụ có tuổi đời hơn 200 năm tuổi. 

Đưa tay chỉ về phía bắc của làng Siêu Quần, cụ Nguyễn Bá Hiệp kể lại với chúng tôi: “Cách đây khoảng 300 năm, ở làng Vân Trình kế bên làng Siêu Quần có một người học cao hiểu rộng tên là Trần Văn Kỷ. Ông ấy đỗ đạt được vào cung làm quan. Một hôm nọ, ông Kỷ về thăm quê và mang theo nhiều giống cây khác nhau mà trước đây làng chưa có như cây xanh, cây mưng, cây cừa,... Ông đi đến từng nhà kêu gọi người dân trồng cây trước nhà, bờ ruộng và hứa sẽ tặng mỗi nhà một chiếc áo thật ấm để tránh rét ngày đông. Người dân ai nấy đều phấn khởi, trồng cây và mong ngày vị quan tốt bụng này trở về từ kinh thành. Theo tháng ngày, những cây nhỏ đã hóa thành những cây to, vươn cao với nhiều tán lá vừa phủ bóng mát ngày nóng vừa chắn gió cho người dân vào những ngày đông gió mưa rét buốt...”.

Sau nhiều năm làm việc tại kinh thành, vị quan này quyết định trở về quê hương để sống cuộc sống cuối đời. Vừa về đến cổng làng, người dân đã ùa ra chào đón ông. Ai nấy đều mừng rỡ vì người tặng áo đã về đến nhà. Các vị bô lão hỏi vị lão quan: “Thưa quan, những chiếc áo được thêu từ những người thợ giỏi của Kinh thành ắt hẳn đang được quan mang về đây ạ?”. Ông Trần Văn Kỷ lúc này đã xuống ngựa, không nói năng gì mà đưa tầm mắt nhìn những hàng cây cao do chính tay ông mang về trồng ngày trước. Khẽ nở nụ cười, ông lặng lẽ chỉ tay về hướng rừng cây, nhẹ nhàng nói với người dân trong làng: “Áo tôi hứa cho bà con là đây này!”. Thoạt đầu mọi người có vẻ còn bất ngờ, nhưng sau một hồi ngẫm nghĩ, tất thảy đều vui vẻ chạy đến cảm ơn ríu rít vị ân nhân có tầm nhìn rất xa này.

Cụ Hiệp nói rằng, mọi người đều nghĩ được tặng áo nên chờ mãi. Ban đầu, khi ông Trần Văn Kỷ nói như vậy, họ cảm thấy hơi hụt hẫng. Nhưng lúc nhìn lại, hàng lộc vừng tốt tươi, trải qua bao trận bão lũ thiên tai, làng Siêu Quần vẫn bình yên vô sự nhờ sự chở che của dải lộc vừng trồng trên bờ đê, họ mới ngộ ra tấm áo mà ông nói đến chính là những cây lộc vừng do chính mình trồng.

Trong ký ức của những người lớn tuổi trong làng, hình ảnh những cây lộc vừng đã gắn bó với tuổi thơ của bao thế hệ với những trưa hè chăn trâu cắt cỏ, nằm ngủ, chơi đùa dưới tán cây. Trong kháng chiến chống Pháp rồi chống Mỹ cứu nước, rừng lộc vừng như “tấm áo giáp” khổng lồ chở che cho các đơn vị bộ đội, dân quân du kích tiến vào trung tâm. 

Việc chặt trộm cây đã không còn xảy ra

Cách đây hơn hai năm, khi mà trào lưu trồng cây lộc vừng cảnh nở rộ tại nhiều tỉnh thành ở miền Trung, chính quyền xã và người dân trong thôn đã rất vất vả để ngăn chặn những kẻ bứng trộm cây để bán. Nhưng sau đó, sau khi có sự ra quân quyết liệt của cơ quan chức năng và sự đồng lòng của người dân, tình trạng chặt, bứng trộm cây đã không còn xảy ra trên địa bàn xã.

Cần được nhân rộng

Trao đổi với PV báo ĐS&PL, GS.TS Ngô Đức Thịnh, Giám đốc trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng dân gian Việt Nam cho rằng: “Bảo vệ rừng mà được cho vào hương ước của làng, xã là việc làm rất tốt. Quy định này nên được nhân rộng ở những nơi có rừng bởi lâu nay, tình trạng phá rừng ở Việt Nam đang rất báo động. Việc làm này tốt nhưng cũng nên thông qua chính quyền địa phương để họ có thể tư vấn, hỗ trợ khi cần về mặt pháp lý”.

NGUYÊN MẠNH

 

 

 

 

 

Đinh Tiến/ ĐS & PL

 

  • Thích và chia sẻ bài viết :

Bình luân