Hotline:
Banner
Tin Nóng

Ngăn chặn chặt phá rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải: Nghịch lý giữ rừng

10 Tháng Tám 2016 1:54:34 CH

Moitruong24h- Theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, trước ngày 20–8, UBND tỉnh Quảng Trị phải có báo cáo cụ thể về tình trạng chặt phá rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải (địa bàn 2 xã Vĩnh Ô, Vĩnh Hà thuộc H. Vĩnh Linh) như báo chí đã nêu. Sau 6 ngày thực hiện kiểm tra tại 8 vị trí, đoàn công tác do CAH Vĩnh Linh chủ trì khẳng định việc chặt phá rừng là có xảy ra. Ngoài ra, công tác truy quét cũng bắt giữ hơn 80 m3 gỗ lậu, trong đó đa phần được trung chuyển qua địa bàn Vĩnh Linh.

Tại cuộc họp bàn về xử lý tình trạng chặt phá rừng phòng hộ do Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh chủ trì chiều 8–8, các bên đã thẳng thắn nhìn nhận những nguyên nhân dẫn đến rừng bị “chảy máu”. Theo đó, lực lượng chuyên trách nòng cốt bảo vệ rừng là kiểm lâm phải chịu trách nhiệm trước hết khi để xảy ra hậu quả trên. Bước đầu, Sở NN và PTNT đã thay đổi, điều chuyển toàn bộ cán bộ kiểm lâm địa bàn đã buông lỏng quản lý. Nhưng thực tế đang diễn ra thì nếu chỉ điều chuyển cán bộ chưa hẳn là “yếu tố” quyết định sẽ chặn được nạn phá rừng.

 


Đại tá Lê Phương Nam báo cáo về kết quả kiểm tra.

Chống được cháy thì rừng “chảy máu”?

Đại tá Lê Phương Nam, Trưởng CAH Vĩnh Linh cho hay, qua kiểm tra từ ngày 2 đến ngày 7–8, ghi nhận tại khu vực ngã ba ngọn khe Xà Lời (thuộc bản 4, xã Vĩnh Ô), tổ công tác phát hiện tổng cộng 28 hộp gỗ tại khoảnh 41 tiểu khu 582. Cách khe Xà Lời khoảng vài trăm mét, trong phạm vi 1,7 ha phát hiện 5 điểm chặt phá với 14 cây rừng, có đường kính từ 22 đến 36cm. Loại gỗ chủ yếu là ràng, de, trám, bạng.

Tại hiện trường có 6 hộp gỗ đã xẻ và 3 lòng gỗ tròn chưa được vận chuyển ra khỏi rừng. Mở rộng phạm vi tìm kiếm, tổ kiểm tra phát hiện thêm điểm tập kết gồm 8 hộp với khối lượng hơn 4 m3 và 1 điểm chặt phá với 7 cây bị chặt hạ có đường kính từ 23 đến 36cm. Tổ kiểm tra đã đưa toàn bộ số gỗ trên về trụ sở cơ quan chức năng xử lý, tổng cộng gần 8 m3. Riêng tổ kiểm tra tại rừng tự nhiên phòng hộ trên địa bàn xã Vĩnh Hà không phát hiện dấu hiệu chặt phá rừng.

Bước đầu cũng xác định được 2 đối tượng chặt hạ 14 cây tại khoảnh 41 tiểu khu 582 là Hồ Văn Trình và Hồ Văn Dinh. Tuy nhiên, hai trường hợp này là đồng bào Vân Kiều sinh sống tại xã Vĩnh Ô, lâu nay làm ăn lương thiện. Lãnh đạo của UBND xã Vĩnh Ô cho biết họ thuộc hộ nghèo, trước đó có đến xã xin chặt gỗ về làm nhà ở.

Tuy nhiên, UBND xã Vĩnh Ô không có rừng, không quản lý rừng nên từ chối nguyện vọng này. Các đối tượng vì thế lén lút vào rừng đốn hạ, đúng lúc lực lượng kiểm lâm đang triển khai công tác phòng chống cháy rừng. Còn những đối tượng phá rừng chuyên nghiệp khác thì cơ bản đã...mất dạng. Chúng hoành hành được là do công tác quản lý, bảo vệ rừng bị buông lỏng.

Trách nhiệm trước hết thuộc về lực lượng kiểm lâm. Không thể bao biện khi rừng bị “tỉa” trong thời gian dài nhưng cán bộ kiểm lâm địa bàn không nắm được tình hình. Chính vì thế, ông Võ Văn Hưng, Giám đốc Sở NN và PTNT quyết định điều chuyển, thay đổi toàn bộ cán bộ kiểm lâm địa bàn. Đây là biện pháp chấn chỉnh quyết liệt nhưng nhìn toàn diện thì thực tế chỉ ra rằng, nếu chỉ thay bằng đủ số lượng, nhân tố con người vẫn chưa thể “cáng đáng” xuể. Lực lượng kiểm lâm nhiều lúc rơi vào thế “lực bất tòng tâm”.

Quản lý hơn 21 ngàn ha rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải chỉ có vỏn vẹn 17 biên chế làm công tác bảo vệ rừng chuyên trách. Với một lực lượng quá mỏng, thiếu phương tiện và công cụ hỗ trợ, chưa kể cao điểm phòng chống cháy rừng, kiểm lâm dồn sức cho công tác này thì “hỏng chân” chỗ kia.

Một lần nữa, vấn đề nhân lực được đưa lên bàn cân truy cứu trách nhiệm. Nhưng không riêng gì kiểm lâm rơi vào thế “khó” mà còn những nghịch lý đã diễn ra nhiều năm chưa tháo gỡ được khiến cho rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải bị xâm hại đủ mặt.


Gỗ lậu và phương tiện vận chuyển bị Trạm kiểm lâm Bến Quan (Vĩnh Linh) bắt giữ.

Chủ rừng nhưng không có một tấc đất

Quản lý rừng phòng hộ trên địa bàn xã Vĩnh Hà có đến 5 chủ rừng, và UBND xã Vĩnh Hà là 1 trong 5 “ông chủ” đó. Nhưng bao năm qua, UBND xã Vĩnh Hà chưa được giao rừng. Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hà Võ Văn Sanh cho hay dù rơi vào “thân phận” như vậy nhưng bất kỳ nhận thông tin nào về xâm hại rừng, xã Vĩnh Hà đều tham gia xử lý.

Trước đây, xã Vĩnh Hà cũng có thành lập tổ bảo vệ rừng với sự tham gia của đông đảo người dân nhưng đến nay gần như tan rã do kinh phí hỗ trợ người dân giữ rừng năm 2016 chưa có và chưa biết có hay không. Giám đốc Sở NN và PTNT Quảng Trị cũng xác nhận những năm trước Quảng Trị được phân bổ khoảng 8 tỷ đồng cho công tác hỗ trợ bảo vệ rừng nhưng năm 2016 chưa thấy Chính phủ bố trí. Thiếu nguồn hỗ trợ, hoạt động bảo vệ rừng cũng...nhạt theo. “Nếu huy động dân quân, CA viên thì phải trả kinh phí theo quy định, mà xã lại không có”, ông Sanh trăn trở. Trước thực trạng đáng lo ngại này, Sở NN và PTNT khẩn cấp kiến nghị lên UBND tỉnh tìm giải pháp.

Ông Khổng Trung, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT, Chi cục trưởng Cục kiểm lâm tỉnh Quảng Trị cũng cho rằng việc chậm trễ cắm mốc, phân định ranh giới cụ thể diện tích rừng tại địa bàn Vĩnh Hà khiến công tác quản lý, bảo vệ bất cập. Còn nhớ vào cuối năm 2014, khi thực hiện điều tra vụ phá rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải tại Khe Cau, địa bàn xã Vĩnh Hà, khi đoàn công tác vào các tọa độ thì một số người dân phá rừng trồng keo, tràm, nhiều chủ rừng cứ “ngơ ngác” vì không thể phân định được đó là đất thuộc ai quản lý. Sự nhập nhằng này cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều “đầu nậu” miền xuôi lên “đầu tư”, lôi kéo, thuê mướn đồng bào thiểu số xâm lấn đất rừng sản xuất, canh tác. Bên cạnh đó, lợi dụng đồng bào thiếu kế sinh nhai, đời sống khó khăn, “lâm tặc” sử dụng thuê vận chuyển gỗ bị chặt hạ trong rừng phòng hộ ra các điểm tập kết.

Để chung tay bảo vệ rừng, cần quan tâm tạo sinh kế bền vững cho đồng bào tại hai xã Vĩnh Hà, Vĩnh Ô vốn “dựa lưng” vào rừng lúc này là gì? Đó chính là giao rừng, là chuyển đổi rừng phòng hộ nghèo thành rừng sản xuất để bà con có cơ hội phát triển kinh tế; Là có chế độ hỗ trợ, khuyến khích người dân tham gia bảo vệ rừng, sát cánh cùng lực lượng nòng cốt là kiểm lâm...

Khép lại buổi họp, các ngành đều thống nhất lập thêm chốt chặn, tăng cường lực lượng để cơ động tuần tra, kiểm soát. Xem xét phương án di dời trụ sở một số trạm kiểm lâm đến vị trí thích hợp cho công tác quản lý, bảo vệ rừng. Ông Võ Văn Hưng cũng yêu cầu CA tiếp tục làm rõ, nếu đủ cơ sở tiến tới khởi tố vụ án. Còn riêng việc cắm mốc, phân định ranh giới, đây là lĩnh vực của Sở TN – MT, UBND tỉnh Quảng Trị cần chỉ đạo để sớm triển khai vấn đề này cũng như bàn giao rừng cho UBND xã Vĩnh Hà quản lý.

 

 

 

Bảo Hà/ CA TPĐN

  • Thích và chia sẻ bài viết :

Bình luân