Hotline:
Banner
Tin Nóng

Môi trường sẽ ra sao nếu toàn bộ loài kền kền bị tuyệt diệt

25 Tháng Bảy 2016 10:15:53 SA

Moitruong24h - Sự suy giảm số lượng kền kền đã gây ra các vấn đề vệ sinh chung trên toàn thế giới do các xác chết của động vật có xu hướng bị thối rữa, hay bị chuột hoặc chó hoang ăn vào.

Kền kền là một loài chim trọc đầu ăn xác chết mà chúng ta thường thấy trong các sa mạc khô cằn. Chúng ta thường mong muốn chúng biến mất vì loài vật xấu xí này tượng trưng cho cái chết và sự hôi thối.  Và loài vật này đang thật sự phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng ở nhiều nơi trên thế giới. Tuy nhiên, điều này sẽ mang lại nhiều hậu quả nghiêm trọng cho hệ sinh thái và con người.


Sự biến mất của những động vật xấu xí này sẽ gây ra thảm họa cho con người và tự nhiên. Nguồn ảnh: sciencemag

Mối đe dọa lớn nhất hiện nay đối với loài kền kền chính là vì chất độc hiện diện trong các thực phẩm thối rữa mà chúng tiêu thụ. Các chất độc hại mà con người thải ra vào môi trường đã lây lan đến các chuỗi thức ăn ở những vùng xa xôi nhất. Quần thể của hầu hết các loài kền kền trên thế giới đã giảm nhanh hoặc đang đứng trên bờ vực tuyệt chủng.

Theo các nhà khoa học, sự tuyệt diệt của loài kền kền sẽ khiến cho các loài ăn xác thối khác phát triển mạnh. Chúng có phạm vi hoạt động và sinh sống khá rộng và điều này đồng nghĩa với việc chúng có thể mang vi khuẩn và virus từ xác động vật vào các thành phố đông đúc dân cư sinh sống, làm gia tăng rất cao tỷ lệ bùng phát dịch bệnh.

Vào giữa những năm 1990, Ấn Độ đã trải qua một sự sụt giảm rất lớn trong số lượng chim kền kền. Đến năm 2000, gần 95% số kền kền của quốc gia này đã bị biến mất. Nguyên nhân cuối cùng được truy ra là vì một loại thuốc có tên là diclofenac dùng để chống viêm nhiễm và giảm đau cho các loại gia súc.  

Diclofenac cho phép các động vật ốm yếu này làm việc lâu hơn trên ruộng đồng. Tuy nhiên, diclofenac tích lũy trong cơ thể động vật và khi con vật bị chết thì trong xác của chúng vẫn còn diclofenac.

Những người nông dân bỏ lại xác con vật trên đồng với ý đồ nhờ kền kền thu dọn. Diclofenac có trong xác chết sẽ được kền kền hấp thụ. Nhưng loại hóa chất này lại có độc tính rất cao đối với loài kền kền và khiến cho những thế hệ sau bị vô sinh, chậm phát triển và có sức khỏe rất yếu.

Trong trường hợp không có kền kền, các quần thể ăn xác thối khác sẽ tăng mạnh, ví dụ như chuột, chó hoang và quạ. Theo một số ước tính, ở Trung Mỹ, Nam Mỹ và châu Phi, kền kền ăn thịt thối nhiều hơn tất cả các loài động vật ăn thịt thối khác cộng lại. 

Kền kền là loại vật ăn xác thối hiệu quả nhất. Chất axit cao trong dạ dày của chúng có khả năng phân hủy rất mạnh và có thể tiêu diệt gần như tất cả mọi loài vi khuẩn và virus. Chính vì thế, kền kền là một rào cản vô cùng hữu hiệu của tự nhiên trong việc ngăn chặn sự bùng phát của dịch bệnh. Nếu không có chúng, tỷ lệ bệnh dịch xuất hiện và lây lan rất cao ở mức độ toàn cầu là điều gần như chắc chắn.

Ví dụ thực tế, sau sự suy giảm của kền kền, Ấn Độ đã trải qua một sự gia tăng mạnh mẽ trong số lượng những con chó hoang, ước tính lên đến khoảng 7 triệu con. Từ đó kéo theo sự bùng phát của bệnh dại và gây ra tử vong cho hơn 48.000 người trong giai đoạn từ năm 1992-2006.

 

 

 

 

Phan Thanh/Khám phá/ Sciencedaily

 

  • Thích và chia sẻ bài viết :

Bình luân