Moitruong24h - Đồng chí Vũ Kỳ, Thư ký của Bác kể lại, Bác Hồ đã đặt bút viết những dòng đầu tiên của bản Di chúc thiêng liêng vào 9 giờ sáng thứ hai, ngày 10/5/1965. Đó là một buổi sáng trời cao và trong xanh. Mây trắng lững lờ trôi trên bầu trời Ba Đình. Phía đầu hồi nhà sàn, chim nhảy chuyền cành, gọi nhau ríu rít… Cả nước, khắp nơi sôi nổi thi đua lập thành tích mừng thọ Bác Hồ 75 tuổi.
Sau khi dự mít tinh của thiếu nhi Thủ đô chào mừng kỷ niệm lần thứ 24 ngày thành lập Đội thiếu niên tiền phong Việt Nam, 21 giờ cùng ngày, Bác về tới Phủ Chủ tịch, khi lên nhà sàn, Bác giao chiếc phong bì to cho đồng chí Vũ Kỳ và dặn: “Chú cất giữ cẩn thận cho Bác, sang năm, mồng 10 tháng 5 nhớ đưa lại cho Bác”.
Đồng chí Vũ Kỳ kể, nhớ lời Bác dặn năm ngoái, trước 9 giờ ngày 10 tháng 5 (năm 1966), tôi đặt sẵn chiếc phong bì tài liệu “Tuyệt đối bí mật” trên bàn làm việc của Bác. Nhưng sáng nay Bác không viết gì thêm.
Ngày hôm sau, 11 tháng 5, Bác vẫn dành đúng 1 tiếng từ 9 giờ đến 10 giờ để tiếp tục suy nghĩ về những điều dặn lại cho mai sau. Bác đọc rất chăm chú trên từng câu, từng chữ mà Bác đã đánh máy xong từ lúc 16 giờ ngày 14/5/1965, nhưng Bác không viết gì thêm. Có lúc Bác đã cầm bút lên, rồi lại bỏ xuống.
Đồng chí Vũ Kỳ kể, từ ngày 12 đến ngày 14 tháng 5, Bác họp Bộ Chính trị. Chính trong những ngày này, Bác đã ghi thêm một câu đặc biệt quan trọng ở phần đoạn kết: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình, là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng”. Năm nay Bác ghi thêm liền sau đoạn đó: “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”.
Đồng chí Vũ Kỳ có một cảm nhận đặc biệt về phần ghi thêm của Bác, ông viết: Cán bộ, đảng viên chúng ta từ Trung ương đến các chi bộ chắc sẽ xúc động biết chừng nào khi biết rằng sau một năm trời, Bác Hồ chỉ dặn thêm chúng ta một câu như thế. Chỉ một câu thôi, nhưng suy cho đến cùng đó là điểm cơ bản nhất của vấn đề đoàn kết. Nếu không xuất phát từ “tình đồng chí thương yêu lẫn nhau” sẽ chẳng còn điều gì có ý nghĩa cả.
Yêu cầu “tinh thành đoàn kết” (Tinh thành: Chân thành, hết mực) đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh trong Thư gửi Hội nghị Tư pháp toàn quốc năm 1948. Năm 1957, tại Hội nghị tư pháp toàn quốc, Người tiếp tục căn dặn đội ngũ cán bộ tư pháp “nội bộ đoàn kết từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên, làm gương cho nhân dân”. Người nhấn mạnh: “Đoàn kết là lực lượng của chúng ta. Lúc mới kháng chiến, lực lượng ta yếu hơn địch, nhưng ta thắng lợi vì ta đoàn kết”. Vì vậy, ngành Tư pháp muốn khắc phục khó khăn thì phải “đoàn kết nhất trí thật sự’, muốn “đoàn kết thật sự” thì phải “dựa trên lập trường vững vàng, tư tưởng sáng suốt, nội bộ dân chủ, giúp đỡ nhau học tập tiến bộ, thật thà phê bình, tự phê bình”.
Trước đó, tại buổi lễ bế mạc hội nghị cán bộ Đảng năm 1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã chỉ ra tác hại của hiện tượng đoàn kết theo kiểu kéo bè kéo cánh: “Từ bè phái mà đi đến chia rẽ. Ai hợp với mình thì dù xấu cũng cho là tốt, việc dở cũng cho là hay, rồi che đậy cho nhau, ủng hộ lẫn nhau. Ai không hợp với mình thì người tốt cũng cho là xấu, việc hay cũng cho là dở, rồi tìm cách gièm pha, nói xấu, tìm cách dìm người đó xuống.
Bệnh này rất tai hại cho Đảng, nó làm hại đến sự thống nhất của Đảng, nó làm Đảng bớt mất nhân tài, nó làm mất sự thân ái, đoàn kết giữa đồng chí”. Người cũng phê bình căn bệnh trầm kha của một số cán bộ thiếu bản lĩnh, thiếu trách nhiệm, đó là những cán bộ “ai có ưu điểm cũng không chịu học, ai có khuyết điểm cũng không dám phê bình, nghe những lời bình luận không đúng, cũng làm thinh không biện bác” và những cán bộ “khi phê bình không phải vì Đảng, không phải vì tiến bộ, không phải vì công việc mà chỉ công kích cá nhân, cãi bướng, trả thù, tiểu khí”.
Theo Người, phê bình và tự phê bình không phải là thiếu tôn trọng đồng chí, là công kích, hạ thấp uy tín, hạ bệ lẫn nhau, là phương tiện để chia rẽ, làm mất đoàn kết nội bộ, mà cốt lõi là giúp đỡ nhau cùng tiến bộ với một tinh thần trong sáng, thẳng thắn, trung thực, chân thành, xây dựng, một tấm lòng nhân ái rộng mở của người đồng chí “Mục đích phê bình cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau cùng tiến bộ. Cốt để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn. Cốt đoàn kết và thống nhất nội bộ”.
47 năm Bác đã đi xa, 47 năm thực hiện Di chúc của Người, mỗi cán bộ, công chức THADS hôm nay luôn thấm thía, khắc sâu và tự nhắc nhở sống đúng với di nguyện của Bác về đoàn kết thật sự trên cơ sở tinh thần đồng chí trong sáng, chân thành, không ngừng phấn đấu, rèn luyện, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tận tụy, gương mẫu, thường xuyên gắn bó, chia sẻ, hỗ trợ, động viên, giúp đỡ đồng chí, đồng nghiệp vượt qua khó khăn, thử thách, qua đó tạo nên sức mạnh đoàn kết thống nhất, đưa Ngành ngày càng trưởng thành và lớn mạnh, hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án được Quốc hội và Chính phủ giao.
Ngày 15/5/2016, vào dịp kỷ niệm 126 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2016), Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 05-CT/TW về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Thực hiện Chỉ thị, trong bầu không khí sôi nổi, tự hào hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống THADS, mỗi cán bộ, công chức THADS thành kính nhớ tới lời dạy của Bác và hứa với Bác sẽ tiếp tục phát huy những truyền thống tốt đẹp, xây dựng cơ quan THADS trong sạch, vững mạnh, đóng góp ngày càng tích cực cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và từng địa phương.N.X.T
(Bài viết có sử dụng một số Tài liệu tham khảo của NXB Sự thật và NXB Chính trị Quốc gia)
Ths. Nguyễn Xuân Tùng - Chánh Văn phòng Tổng cục THADS
Nguồn: Pháp Luật VN
17:14 05-09-2017
15:17 22-08-2017
14:11 16-01-2018
13:16 17-07-2016
11:11 18-12-2017
Bình luân