Moitruong24h - Sau khi tuyên phạt bị cáo 3 năm, 6 tháng tù vì tội sử dụng tài sản trái phép, tại bản án của mình, Hội đồng Xét xử (HĐXX) Tòa án nhân dân (TAND) TP Hà Tĩnh ghi rõ: "HĐXX sẽ làm văn bản kiến nghị tòa án cấp trên kháng nghị theo trình tự để điều tra, truy tố, xét xử bị cáo và các cá nhân đúng người, đúng tội, đúng pháp luật".
Ảnh minh họa: http://img.dothi.net
Đề nghị kháng nghị bản án chính mình
Ngày 14/6, TAND TP Hà Tĩnh đưa bị cáo Trần Tố Loan (SN 1977) ra xét xử tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Phiên tòa đã phải dời đến ngày 30/6 vì vắng mặt luật sư. Trong vụ án này, bị cáo Trần Tố Loan, nguyên Giám đốc Công ty TNHH Huy Phong không nhận tội.
Theo tài liệu vụ án, năm 2011, Công ty TNHH Huy Phong đã ký hợp đồng mua sim, thẻ với Trung tâm Dịch vụ khách hàng Viễn thông Hà Tĩnh, mức chiết khấu là 9%. Sau đó, bị cáo Trần Tố Loan đã 3 lần mua sim thẻ với tổng giá trị phải thanh toán là gần 2,4 tỷ đồng và được Trung tâm đồng ý cho trả chậm thời gian từ 3 - 15 ngày.
Sau khi bán sim thẻ, bà Loan sử dụng tiền thu được vào việc khác, không trả tiền mua sim thẻ cho Trung tâm Dịch vụ khách hàng Viễn thông Hà Tĩnh. Vì hành vi này, ban đầu bị cáo Trần Tố Loan bị quy kết phạm tội sử dụng trái phép tài sản của người khác.
Tháng 6/2015, TAND TP Hà Tĩnh đưa bà Loan ra xét xử tội sử dụng trái phép tài sản của người khác.
Cho rằng bị cáo biết rõ giá hàng của Trung tâm cao hơn thị trường, mua về bán sẽ lỗ, nhưng do có ý thức - mua hàng về bán để lấy tiền sử dụng vốn kinh doanh và mục đích cá nhân dẫn đến không thanh toán tiền cho Trung tâm, HĐXX tuyên phạt bà Loan mức án 3 năm 6 tháng tù giam.
Tại phiên tòa này, bà Loan khẳng định bà sử dụng tài sản của Công ty TNHH Huy Phong, không sử dụng tài sản của Trung tâm nên không thể kết tội bị cáo.
Bào chữa cho bà Loan tại phiên xử, luật sư Nguyễn Hồng Bách đưa ra quan điểm: Chủ thể trong hợp đồng là hai pháp nhân Công ty TNHH Huy Phong và Viễn thông Hà Tĩnh. Tài sản mà Viễn thông Hà Tĩnh bán cho Công ty TNHH Huy Phong thì quyền sở hữu thuộc về Công ty TNHH Huy Phong theo quy định tại Điều 439 Bộ luật Dân sự.
Công ty TNHH Huy Phong có quyền định đoạt số tài sản đó. Số nợ hơn 2 tỷ đồng là Công ty TNHH Huy Phong nợ chứ không phải cá nhân bà Loan nợ. Theo quy định tại Điều 438 và Điều 427 Bộ luật Dân sự và Điều 50, Điều 319 Luật Thương mại thì đây là vụ án dân sự.
Theo ông Bách, bà Loan đã sử dụng tài sản của Công ty TNHH Huy Phong chứ không hề sử dụng trái phép tài sản và xâm phạm đến quyền lợi của Viễn thông Hà Tĩnh.
Điều kỳ lạ - dù nhận định, có đầy đủ căn cứ kết tội bị cáo phạm tội sử dụng trái phép tài sản của người khác, nhưng Bản án sơ thẩm số 40/2015/HSST, ngày 3/6/2015, lại nêu rõ: "HĐXX sẽ làm văn bản kiến nghị tòa án cấp trên kháng nghị theo trình tự để điều tra, truy tố, xét xử bị cáo và các cá nhân đúng người, đúng tội, đúng pháp luật".
Tại phiên tòa phúc thẩm sau đó, HĐXX cho rằng: Việc cấp sơ thẩm điều tra, truy tố và xét xử bị cáo về tội sử dụng trái phép tài sản là không đúng hành vi phạm tội mà bị cáo đã thực hiện... Với các nhận định của mình, HĐXX cấp phúc thẩm đã hủy bản án sơ thẩm, trả hồ sơ yêu cầu điều tra lại.
Hình sự hóa quan hệ dân sự?
Điều tra lại vụ án, cơ quan tố tụng truy tố bị cáo Trần Tố Loan tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bản cáo trạng lần này cho rằng: Trước khi mua hàng, bà Loan biết các lô hàng trên mua về bán sẽ bị lỗ vì chiết khấu thấp hơn giá thị trường, nhưng bà Loan đưa ra thông tin gian dối với bên bán hàng là mua về bán quay vòng đồng vốn nhằm mục đích lừa dối Trung tâm để được mua sim, thẻ điện thoại bán lấy tiền trả nợ cho các chủ nợ khác...
Là luật sư của bà Loan, ông Bách khẳng định, cơ quan điều tra và Viện KSND tỉnh Hà Tĩnh đã cố tình hình sự hóa quan hệ kinh doanh thương mại giữa các pháp nhân bởi: Quan hệ giao dịch mua bán sim thẻ là giao dịch kinh doanh thương mại thuần túy giữa Trung tâm Dịch vụ khách hàng Viễn thông Hà Tĩnh và Công ty TNHH Huy Phong chứ không phải với cá nhân bà Loan.
Trách nhiệm trả nợ Trung tâm Dịch vụ khách hàng Viễn thông Hà Tĩnh thuộc về pháp nhân Công ty TNHH Huy Phong.
Việc Công ty TNHH Huy Phong chậm thanh toán tiền cho Trung tâm là quan hệ dân sự chứ không thể cá thể hóa nghĩa vụ này cho bà Loan, để từ đó truy cứu trách nhiệm hình sự cho bà Loan được. Nếu Viễn thông Hà Tĩnh thấy quyền lợi của mình bị xâm phạm thì có quyền khởi kiện theo Luật Dân sự.
"Các cơ quan tố tụng đã có sự nhầm lẫn nghiêm trọng trong hành vi của các chủ thể. Kết luận điều tra luôn nhầm lẫn hoạt động của Công ty TNHH Huy Phong thông qua người đại diện theo pháp luật của mình là bà Trần Tố Loan với hành vi cá nhân của bà Trần Tố Loan", lời luật sư Bách.
Vụ án xảy ra năm 2011, từ đó đến nay, cơ quan tố tụng liên tục thay đổi tội danh đối với bà Loan. Ngày 13/7/2012, Công an tỉnh Hà Tĩnh khởi tố bà Loan tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Đến ngày 25/7/2013, cơ quan tố tụng đổi tội danh bà Loan thành sử dụng trái phép tài sản. Sau khi bản án sơ thẩm bị hủy, trả hồ sơ yêu cầu điều tra lại, bà Loan lại bị chuyển tội danh thành lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Nguồn: thanhtra.com.vn
17:14 05-09-2017
15:17 22-08-2017
14:11 16-01-2018
13:16 17-07-2016
11:11 18-12-2017
Bình luân