Hotline:
Banner
Tin Nóng

Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xử lý nước thải sông Nhuệ

30 Tháng Bảy 2016 10:33:40 SA

Moitruong24h - Hiện nay, TP. Hà Nội đang xây dựng chính sách, cơ chế ưu đãi khuyến khích đầu tư theo hình thức xã hội hóa nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư xử lý nước thải trên địa bàn, tạo môi trường đầu tư thuận lợi và có hiệu quả trong lĩnh vực này.


Ảnh minh họa

Hệ thống trục chính sông Nhuệ trải dài 47 km làm nhiệm vụ tưới khoảng 53.000 ha, tiêu khoảng 107.000 ha trên địa bàn 2 tỉnh Hà Nội và Hà Nam. Tuy nhiên, nguồn nước sông Nhuệ nhiều năm qua đang bị ô nhiễm do nước xả thải, chất thải của các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất, làng nghề, chăn nuôi, nước thải sinh hoạt trong nội thành, khu dân cư… chưa qua xử lý hoặc chưa đạt tiêu chuẩn xả thẳng vào sông Nhuệ.

Để xử lý và tìm giải pháp khắc phục việc ô nhiễm nguồn nước, các Bộ, ngành liên quan và các tỉnh Hòa Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình đã xây dựng đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thủ tướng Chính phủ cũng đã thành lập Ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy có Văn phòng thường trực đặt tại Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường trên sông Nhuệ, trong nhiều năm, Hà Nội đã và đang triển khai nhiều giải pháp, đầu tư kinh phí, kêu gọi hợp tác nhằm từng bước khắc phục tình trạng ô nhiễm và cải thiện chất lượng nguồn nước sông. Triển khai các dự án đầu tư nạo vét, duy tu, cải tạo hệ thống thủy lợi, dự án thoát nước, thu gom, xử lý nước thải, để góp phần cải thiện chất lượng nguồn nước tại sông Nhuệ - sông Đáy.

Thành phố duy trì vận hành trạm bơm Yên Sở, đập điều tiết Thanh Liệt, tăng cường nạo vét, duy tu, duy trì hệ thống thoát nước nội thành bảo đảm thoát nước và giảm thiểu ô nhiễm nước sông Nhuệ. Trong các tháng mùa khô thực hiện tiếp nước từ sông Hồng vào sông Nhuệ để góp phần cải thiện nguồn nước. Đồng thời, tiếp tục triển khai các dự án cải tạo, nạo vét, nâng cấp trục chính sông Nhuệ, nạo vét sông Đáy; thi công các dự án tiếp nước, cải tạo và khôi phục sông Tích, dự án nào vét lòng dẫn sông Đáy đoạn từ đạp Đáy đến cầu Mai Lĩnh.

Đến nay, Hà Nội đã đưa vào vận hành nhà máy xử lý nước thải Yên Sở công suất 200.000 m3/ngày/đêm; trạm xử lý nước thải Bảy Mẫu công suất 13.300 m3/ngày/đêm; duy trì các trạm xử lý nước thải sinh hoạt Kim Liên, Trúc bạch để bảo đảm chất lượng nước thải sau xử lý đạt chỉ tiêu môi trường quy định, giải quyết một phần nhu cầu xử lý nước thải đầu nguồn sông Tô Lịch, tuyến sông Kim Ngưu, sông Sét thuộc lưu vực Tô Lịch.

Trong thời gian tới, Thành phố sẽ hoàn thành và đưa vào vận hành nhà máy xử lý nước thải Hồ Tây công suất 15.000 m3/ngày đêm và đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xây dựng các nhà máy xử lý nước thải quy mô lớn khác như: Nhà máy Yên Xá công suất 270.000 m3/ngày đêm tại huyện Thanh Trì; nhà máy Phú Đông công suất 84.000 m3/ngày đêm tại quận Nam Từ Liêm; xây dựng nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt và làng nghề tại xã Dương Liễu, xã Vân Canh và xã Sơn Đồng thuộc huyện Hoài Đức…

Đồng thời, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các công trình xử lý nước thải tập trung tại các cụm công nghiệp đã khởi công. Hiện nay có 11/16 công trình xử lý nước thải tại cụm công nghiệp đã khởi công, trong đó 4 công trình xử lý tại cụm công nghiệp đã đi vào vận hành và đang lập hồ sơ dự án tại các cụm công nghiệp khác.

Đến nay, việc cắm mốc giới hành lang bảo vệ công trình thủy lợi giai đoạn 2016 – 2020 đã được thực hiện đối với các tuyến kênh chính trong đó có các tuyến thuộc lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy.

Ngoài những giải pháp đã và đang thực hiện, Hà Nội sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ. tập trung thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm các cơ sở trên lưu vực sông nhằm giảm thiểu tối đa nguy cơ xả nước thải vượt tiêu chuẩn cho phép vào sông.

Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thông cùng các quận, huyện cũng tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động sản xuất kinh doanh xả thải các chất độc hại vào hệ thống công trình thủy lợi gây ô nhiễm nguồn nước sản xuất nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các vụ việc vi phạm Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, các vi phạm  pháp luật khác về bảo vệ môi trường.

Hiện nay, bên cạnh xây dựng chính sách, cơ chế ưu đãi khuyến khích đầu tư theo hình thức xã hội hóa nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư xử lý nước thải trên địa bàn, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cũng đã đồng ý chủ trương đầu tư xây dựng Cụm công trình đầu mối Liên mạc theo hình thức hợp đồng BT với mục tiêu lấy nước sông Hồng vào sông Nhuệ với lưu lượng 72m3/h để cấp nước tưới cho khoảng trên 40 nghìn ha đất canh tác thuộc hệ thống thủy lợi sông Nhuệ, đồng thời, góp phần cải thiện môi trường sinh thái, chất lượng nước sông Nhuệ.

 

 

 

 

 

Gia Huy/Thanglong.chinhphu.vn

  • Thích và chia sẻ bài viết :

Bình luân