Moitruong24h- Thời vàng son, những đồi cát, khu rừng thuộc huyện Phù Mỹ, Phù Cát (Bình Định) là thủ phủ khai thác titan của hàng chục doanh nghiệp (DN) lớn, nhỏ trên cả nước. Sau khi đổ về đây phá rừng khai thác, thu bộn tiền, các DN bỏ đi, không thực hiện cam kết hoàn thổ, trồng rừng và phục hồi môi trường.
Cơn lốc titan đi qua cuốn theo tài nguyên và mang về lợi ích cho DN, nhưng để lại hậu quả nặng nề về môi trường, kế sinh nhai và cả nỗi đau dành cho người dân trong vùng.
Doanh nghiệp thu lợi, hậu quả dân chịu
Nắng bỏng rát cuối tháng 7, chúng tôi tìm về xã Mỹ Thành, từng là vùng đất trù phú, giờ đây trở nên xơ xác, tiêu điều với những bãi cát trống trắng xóa và thiếu bóng cây rừng do khai thác titan.
Bà Nguyễn Thị Dũng (60 tuổi, thôn Hòa Hội Nam, xã Mỹ Thành) bức xúc: Nhiều diện tích dương liễu bị tàn phá, dân làng xót lắm, nhưng chúng tôi chẳng làm gì được. Người dân muốn can ngăn, nhưng nói mà có ai nghe đâu. DN đến vùng đất này để khai thác, thu lợi, còn hậu quả thì người dân hứng chịu. Đất đai thoái hóa, kinh tế khó khăn, mất rừng, ô nhiễm môi trường, không gian bụi bặm, nguồn nước hao hụt, cây cối lụi tàn, chết người… mấy ai hiểu.
"Ngày trước, nước sinh hoạt vùng này ngọt, mát lắm, nhưng từ khi khai thác titan, nguồn nước gia đình tôi bị hôi thối, có mùi bùn uống không được. Khoan đến 3 giếng nước mà chỗ nào cũng vậy nên nhiều nhà phải mua nước về dùng. Nhiều năm trước, cây rừng bị tàn phá, bụi cát bay phủ đầy nhà, dân phản ứng quá nên năm ngoái vài DN mới trồng rừng chắn cát, nhưng chỉ hạn chế được 1 phần”- bà Dũng than vãn.
Bà Nguyễn Thị Dũng (60 tuổi, xã Mỹ Thành) bức xúc vì sau khi khai thác titan thì nguồn nước tại gia đình trở nên hôi hám, không dùng được. ảnh: Dũ Tuấn
Tại thôn Hòa Hội Nam, người dân nơi đây thuộc tên các DN từng đặt chân đến để khai thác titan. Khi DN rời đi, nhiều người rất bức xúc trước hậu quả nặng nề mà công ty đã để lại trên làng quê này, nhưng chẳng ai làm gì được. “Nguồn nước bị ô nhiễm, dân nghèo quá không có tiền mua nước lọc để sử dụng. Nhiều nhà chịu không nổi phải di dời đi nơi khác mà sống, canh cánh nỗi lo bệnh tật. Trong khi đó, nhiều hố sâu tồn đọng lại do khai thác titan chưa được lấp đã cướp đi sinh mạng của người dân địa phương”- bà Trần Thị Mùi (62 tuổi) cho hay.
Dai dẳng nỗi đau
Đã hơn 3 năm trôi qua, ông Võ Văn Trung (xã Mỹ Thành) vẫn không nguôi nỗi đau mất đứa con trai do ngã xuống hố sâu titan. Thắp nén nhang, ông Trung kể: “Tháng 1.2013, Công ty CP An Trường An đang san lấp hố sau khi khai thác nhưng không có rào chắn, biển báo, trẻ em thả bò đi bờ rồi lọt xuống. Hố đó rộng chừng 400m2, sâu khoảng 25m, sau sự cố thì họ lấp liền. Sau khi có tai nạn, chính quyền, gia đình liên hệ, phía công ty tránh né. Gia đình đành để xác con tôi 2 ngày ngoài trời để giữ hiện trường chờ giải quyết”.
"Cho đến nay, diện tích đã san gạt, hoàn thổ từ việc khai thác titan đạt khoảng 433ha (chiếm 79%), trong đó diện tích trồng rừng là 250ha (chiếm 45%). Việc khai thác titan có ảnh hưởng nhất định đến nguồn nước của người dân địa phương". |
Theo ông Trung, qua thời gian làm thủ tục, hồ sơ, phía công ty thỏa thuận đền bù cho gia đình 500 triệu đồng với mong muốn khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, thủ phạm gây ra tai nạn lại chây ì, trốn tránh, quá ngày cam kết không thấy công ty giữ đúng lời hứa nên ông Trung kiện ra tòa án. Trong 3 năm đi kiện, phía công ty vẫn chỉ đưa được 300 triệu đồng. “Tôi vẫn còn giữ biên bản thỏa thuận, việc đòi tiền bồi thường không quan trọng, đau lòng là mất đi đứa con mới 13 tuổi. Trong khi đó, kẻ gây ra hậu quả lại trốn tránh”- ông Trung buồn bã nói.
Theo người dân, việc khai thác titan tại xã Mỹ Thành đã kéo dài hơn 10 năm và hiện vẫn còn lác đác DN đang khai thác, mặc cho người dân và làng quê này gánh chịu hậu quả kinh hoàng từ việc khai thác titan.
“Nhiều DN chưa thực hiện nghĩa vụ san lấp, hoàn thổ, trồng cây hoặc san lấp rồi trồng cây qua quýt cho có. Những hố sâu do khai thác đã từng là nỗi khiếp sợ kinh hoàng của dân nơi đây”- ông Trung cho biết.
Những đồi cát trắng cằn cỗi sau cơn lốc khai thác titan ở Bình Định. ảnh: Dũ Tuấn
Những hố titan sau khai thác không hoàn lấp tạo nhiều hố sâu và núi cát cao, trở thành những cái bẫy nguy hiểm, ám ảnh người dân, nhất là trẻ em vào mùa mưa lũ.
Nông dân Nguyễn Thị Lệ Thúy (xã Mỹ Thành) kể: “Năng suất cây trồng của người dân tệ hơn trước khi các DN đến khai thác titan rất nhiều, do nước hôi phèn mà thường xuyên hao hụt, rừng mất, đất bị hoang hóa. Chưa kể việc cát bay vào nhà, nhiều DN vẫn chưa hoàn thổ. Cái hố sâu trước nhà tôi đến tháng 9 là đọng lại hồ nước lớn nhưng giờ công ty đi chẳng biết ở đâu”.
Bao giờ trở lại như xưa?
Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường; Điều 30 Luật Khoáng sản; Điều 4, Nghị định Số 19/2015/NĐ-CP của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thi hành thì mọi tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải có phương án cải tạo, phục hồi môi trường và thực hiện các giải pháp ngăn ngừa, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường. |
Theo tìm hiểu của phóng viên Dân Việt, hiện nay, tại Bình Định có 5 DN được Bộ TNMT cấp 7 giấy phép khai thác với tổng diện tích 1.129,28ha và giấy phép còn hiệu lực. Tuy nhiên, do giá quặng titan trên thế giới giảm mạnh đã ảnh hưởng đến hoạt động khai thác. Tại thời điểm này, các DN đã dừng hoạt động hoặc khai thác cầm chừng (trong đó Công ty CP Khoáng sản và Thương mại Bình Định chưa triển khai việc khai thác). UBND tỉnh Bình Định đã cấp 35 giấy phép khai thác titan cho 15 DN với tổng diện tích 546ha- các giấy phép này đã hết hạn từ năm 2013.
Theo ông Đặng Trung Thành - Giám đốc Sở TNMT Bình Định, cho đến nay, diện tích đã san gạt, hoàn thổ từ việc khai thác titan đạt khoảng 433ha (chiếm 79%), trong đó diện tích trồng rừng là 250ha (45%). Tuy nhiên, vẫn còn một số DN chậm thực hiện việc hoàn thổ, trồng rừng, phục hồi môi trường. Công ty CP Kim Triều đến nay vẫn không thực hiện việc san gạt, hoàn thổ, trồng rừng phục hồi môi trường. Việc khai thác titan đã ảnh hưởng đến nguồn nước của người địa phương.
“Đối với những DN không chịu hoàn thổ, phục hồi môi trường, Sở TNMT phối hợp Quỹ Bảo vệ môi trường tỉnh sử dụng tiền đã ký quỹ phục hồi môi trường của các DN để tiến hành hoàn thổ trồng cây trên diện tích khai thác. Sở đã có báo cáo UBND tỉnh Bình Định và đề nghị xử phạt hành chính đối với công ty không phục hồi môi trường sau khai thác titan. Thực tế, UBND tỉnh đã ra các quyết định xử phạt đối với đơn vị không thực hiện”- ông Thành quả quyết. /.
Dũ Tuấn/ Dân việt
17:14 05-09-2017
15:17 22-08-2017
14:11 16-01-2018
13:16 17-07-2016
11:11 18-12-2017
Bình luân