Moitruong24h - Sau 54 năm kể từ ngày được công nhận danh thắng quốc gia, Kẽm Trống đang bị xâm phạm nghiêm trọng bởi tình trạng khai thác đá và có nguy cơ bị xóa sổ vĩnh viễn...
Toàn cảnh danh thắng Kẽm Trống. Ảnh: Trọng Tài
Vang bóng một thời...
“Hai bên thì núi, giữa thì sông/Có phải đây là Kẽm Trống không? Đó là hai câu mở đầu bài thơ của Bà Chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương khi viết về phong cảnh hữu tình của Kẽm Trống.
Danh thắng Quốc gia Kẽm Trống thuộc địa phận 2 xã Thanh Hải, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam và xã Gia Thanh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng danh thắng cấp quốc gia vào năm 1962.
Kẽm Trống được hình thành từ những dãy núi đá vôi nằm sát hai bên bờ sông. Nhờ dòng nước trong xanh, núi đá soi mình xuống dòng sông Đáy hiền hòa cùng cảnh bầu trời cao rộng sâu thẳm khiến Kẽm Trống đẹp như một bức tranh sơn thuỷ.
Toàn bộ danh thắng Kẽm Trống được hình thành bao gồm, bờ bên hữu có dãy núi Bài Thơ, dãy núi Vắt Ra (hay còn gọi là núi Kẽm Trống), gồm núi Bồng, núi Vọng, núi Thòng Long và núi Rồng. Bờ bên tả có núi Rùa, núi Cổ Động, núi Động Xuyên và núi Trinh Tiết. Kẽm Trống nằm gần như hoàn toàn trên đất Hà Nam, chỉ có núi Bài Thơ là nằm trên đất Ninh Bình.
Núi ở đây cũng có nhiều hang động như, hang Dơi, hang Luồn - Ao Dong, hang Nứt… Về phía tả ngạn sông Đáy có một con sông Đào dài gần 2km, cả hai đầu đều nối với sông Đáy, chảy ôm núi Rùa và núi cổ Động có liên quan trực tiếp đến Kẽm Trống.
Dần bị quên lãng...
Sau hơn nửa thế kỷ được công nhận danh thắng quốc gia, đến nay, Kẽm Trống đang đứng trước nguy cơ trở thành phế tích bởi hoạt động khai thác đá. Cả khu danh thắng Kẽm Trống trở thành một công trường khai thác nhộn nhịp với tiếng máy xay đá chạy rầm rập; tiếng nổ mìn phá đá inh tai và tiếng gầm của động cơ xe tải và tàu khi tấp nập vào lấy đá.
Đứng trên cầu Quất quan sát, hầu như tất cả các quả núi nằm trong danh thắng đều bị thay đổi cảnh quan và biến dạng rất nhiều. Núi Rùa đã bị đánh cụt đầu, dãy núi Vắt Ra với chiều dài khoảng 400m đang ngày đêm tiếp tục bị "xẻ thịt", chân núi Bài Thơ trở thành bãi tập kết đá...
Dãy núi Vắt Ra bị khai thác tới gần đỉnh núi. Ảnh: Trọng Tài
Thắng cảnh Hang Luồn - Ao Dong cũng bị bao quanh bởi nhiều doanh nghiệp khai thác đá. Cảnh yên bình trước đây giờ đã biến mất, thay vào đó là tiếng gầm rú của máy nghiền, máy xúc, máy sàng đá... Nhiều quả núi quanh khu vực danh thắng đã bị san phẳng, con đường mòn hoang sơ dẫn vào hang đã được một doanh nghiệp khai thác đá san phẳng mở đường làm băng chuyền đá xuống nhà máy xi măng. Cửa hang Luồn phía hướng ra sông Đáy cũng đã bị bịt, nước Ao Dong không còn trong xanh nữa mà chuyển sang màu trắng đục bởi bụi đá.
Theo ông Phạm Bá Thủy, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Hải, việc khai thác đá không chỉ ảnh hưởng đến danh thắng mà còn ảnh hưởng nặng nề đến đời sống sinh hoạt của người dân. Tuy nhiên, Kẽm Trống thuộc địa bàn 2 tỉnh Hà Nam và Ninh Bình nên rất khó trong việc theo dõi và quản lý. Những năm trước, UBND xã cũng đã nhiều lần có văn bản kiến nghị lên cấp trên nhưng đều không nhận được câu trả lời. Đến nay gần như xã bế tắc trong việc quản lý danh thắng.
Ông Đinh Văn An, Chủ tịch UBND huyện Thanh Liêm cũng thẳng thắn thừa nhận, năm 2014, huyện nhiều lần có ý kiến và gửi văn bản kiến nghị lên tỉnh, tuy nhiên đều bị rơi vào tình trạng "ném đá ao bèo". Từ khi nhận công tác Chủ tịch UBND huyện Thanh Liêm đến nay đã hơn 1 năm nhưng ông cũng "chưa nhận được bất cứ văn bản chỉ đạo nào của cấp trên liên quan đến Kẽm Trống". Công tác quản lý và bảo vệ danh thắng Kẽm Trống đang bị huyện "thả trôi". Tuy nhiên, ông An cũng khẳng định, thời gian tới sẽ cho Phòng Văn hóa và Thông tin tổng hợp thực trạng để báo cáo tỉnh; đồng thời, kiến nghị UBND tỉnh có phương án, kế hoạch bảo tồn, giữ gìn và phát huy danh thắng Kẽm Trống.
Trọng Tài/Thanh Tra
17:14 05-09-2017
15:17 22-08-2017
14:11 16-01-2018
13:16 17-07-2016
11:11 18-12-2017
Bình luân