Hotline:
Banner
Tin Nóng

Có nên “mang nặng” nhưng không “đẻ đau”?

11 Tháng Bảy 2016 1:39:40 CH

Moitruong24h - Ngày nay, với sự hỗ trợ từ khoa học các bà mẹ có thể đẻ mà không đau, có thể sinh con vào giờ mình thích… Phương pháp sinh thường đã hoàn thành xong sứ mạng của mình và lùi vào dĩ vãng?

“Mốt” đẻ mổ

Một hiện tượng đang ngày càng phổ biến tại các bệnh viện phụ sản Việt Nam hiện nay là đẻ mổ thay cho đẻ thường. Không được chỉ định mổ nhưng nhiều gia đình sản phụ vẫn nằng nặc yêu cầu bác sỹ cho đẻ mổ với nhiều lý do: người vì sợ sinh thường làm xấu “vùng tam giác”, có người vì sợ đau, có người thì vì mê tín nên chọn giờ đẹp để sẵn sàng cho con ra đời trước hoặc cố “nhịn” để sinh sau…

(Ảnh minh hoạ)

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mổ đẻ tự nguyện là phương pháp không tốt cho sức khỏe mẹ và bé. Tổ chức này đưa khuyến cáo, mổ đẻ chỉ nên chỉ định cho các sản phụ trong tình trạng nguy hiểm mà thai nhi không thể ra đời bình thường qua đường âm đạo: mẹ bị cao huyết áp, bị tiền sản giật, nhau thai có biến chứng, tử cung không bình thường, vỡ nước ối, nhịp tim thai bất thường, thai nằm ngược, sinh con so khi đã nhiều tuổi, tử cung mẹ co thắt kém…

WHO cũng đã đưa ra cảnh báo rằng: Sinh con bằng lựa chọn phương pháp mổ tự nguyện sẽ tăng nguy cơ biến chứng lên 2,7 lần. Các sản phụ có thể bị chảy máu nghiêm trọng hơn và có nguy cơ phải chăm sóc đặc biệt cao hơn 10 lần. Bình thường thì họ cũng sẽ mệt mỏi hơn bởi sinh con thường là thiên chức tạo hóa ban tặng, còn mổ đẻ là họ phải trải qua ca phẫu thuật.

Về cơ bản, mổ đẻ an toàn với thai nhi hơn cho mẹ nhưng những đứa trẻ ra đời bằng phương pháp này vẫn thường có nguy cơ mắc bệnh hô hấp cao hơn vì thiếu sunrfactant. Tuyến sữa của sản phụ mổ đẻ cũng hoạt động chậm hơn, phải mất vài ngày mới có khả năng cung cấp sữa cho bé và khó khăn cho bé bú vì vết mổ đau. Trong khi đó sữa non đầu tiên khi vừa mới sinh rất tốt để tăng đề kháng cho trẻ.

Ngoài ra sinh mổ còn để lại ảnh hưởng cho mẹ đến lần mang thai tiếp sau. Các vết sẹo trong tử cung do sinh mổ sẽ tác động tới nhau thai nên dễ gây ra những chảy máu bất thường cho mẹ. Nguy cơ bị nhiễm trùng vết mổ cao gấp ba lần so với đẻ thường. Các nhà nghiên cứu Mỹ đã lấy kết quả trên 5 triệu phụ nữ và cho thấy phụ nữ đẻ mổ có vấn đề trong lần mang thai thứ hai cao hơn 50% so với phụ nữ sinh thường.

Để mẹ không đau

“Đau như đau đẻ” là điều không ai chối cải, nhất là với chị em đã từng qua sinh nở. Vì vậy sinh con mà không đau giống như giấc mơ đi ngược tạo hóa. Nhưng giấc mơ đó có thật, chị em sẽ không phải trải qua cơn đau chuyển dạ khi đăng ký dịch vụ tại một số bệnh viện.

Theo số liệu của bệnh viện Hùng Vương (Tp. HCM) từ năm 1988, bệnh viện đã tiến hành gây tê cho sản phụ để đẻ không đau. Theo các bác sĩ, cơn đau chuyển dạ của phụ nữ tương đương với việc cắt tay chân. Nguyên nhân là do tử cung phải nở rộng và giãn mỏng để đứa bé có thể ra ngoài. Vì vậy đau đẻ khiến nhiều sản phụ kiệt sức, lo lắng và sợ hãi. Điều đó khiến nhiều chị em đăng ký dịch vụ không đau để vượt cạn một cách dễ dàng. Đây có thể nói là cuộc cách mạng giải phóng chị em khỏi tiếng la hét, chửi mắng trong nhà hộ sinh vì không còn cảm giác “đẻ đau”.

Phương pháp đẻ không đau này dựa trên cơ chế tuỷ sống là trung tâm điều hòa dẫn truyền xung động đau. Lịch sử giảm đau ngoài màng cứng tuỷ sống đã có khoảng hơn 100 năm. Vì vậy các bác sĩ sẽ tiêm vào màng cứng tủy sống sản phụ lượng thuốc tê để trong quá trình chuyển dạ chị em sẽ không cảm giác đau đớn, sợ hãi. Phương pháp này dành cho những ca sinh dịch vụ đặc biệt đối với những người có bệnh lý đi kèm (bệnh tim mạch, suyễn,...). Ưu điểm của phương pháp này kiểm soát tốt cơn đau, chống lo lắng cho sản phụ. Đồng thời chị em cũng giảm được stress, mất sức do cơn đau gây ra.

Tuy nhiên các chuyên gia Hội gây mê Hồi sức Tp.HCM đã đưa ra khuyến cáo phương pháp sinh con này có nhiều biến chứng: hạ huyết áp, nhức đầu, đau lưng, xuất huyết (tụ máu), nhiễm trùng, và tổn thương thần kinh có thể gây yếu, mất cảm giác, hoặc liệt...

Các bác sĩ của ĐH Sanfrancisco (Mỹ) cũng đưa ra kết luận sinh con bằng gây tê tủy sống có thể biến chứng nặng nề cho sản phụ. Nguyên nhân là do thất bại trong việc vô cảm tủy sống của bác sĩ gây tê.

Vì vậy có thể kết luận rằng, cho đến hiện nay hầu như vẫn không có phương pháp sinh đẻ nào dành cho sản phụ qua mặt được phương pháp sinh thường truyền thống.

Sinh con tự nhiên thật phi thường!

Phương Tây là cái nôi của những công trình y khoa hiện đại để giảm thiểu sự đau đớn của con người trong đó có phương pháp đẻ không đau, tuy thế họ vẫn đề cao phương pháp sinh con tự nhiên.

Từ năm 1965, TS. Robert Bradley đã viết cuốn sách hướng dẫn phụ nữ sinh con tự nhiên. Ông khẳng định việc sinh thường sẽ gây ít tổn hại, tác dụng phụ cho mẹ và bé. Người mẹ khi trải qua kỳ vượt cạn tự nhiên sẽ khám phá được sức mạnh phi thường của bản thân và tình cảm với đứa con...

Ngày nay, các lớp học sinh con theo phương pháp tự nhiên được nhân rộng khắp nơi trên thế giới và thu hút được sự quan tâm của rất nhiều bà mẹ trẻ. Ngay cả những ngôi sao màn bạc vốn nổi tiếng về sự hào nhoáng và phù phiếm cũng ý thức được sức mạnh tự nhiên của thiên chức làm mẹ, họ sẵn sàng học và chọn phương pháp sinh tự nhiên để chào đón đứa con thân yêu của họ ra đời.

Nicole Richie và 2 con.

1. Nicole RichieKhông sợ đau, không sợ xấu, cô nàng đã quyết tâm từ chối mọi phương pháp giảm đau để sinh con.

2. Joely Fisher: Khi sinh con gái thứ hai, cô không những không cần đến các phương pháp y khoa hiện đại mà còn sinh con tại gia, xung quanh bạn bè, người thân và bà đỡ.

3. Jessica Alba: Mặc dù mang bầu nằm ngoài kế hoạch của cô nàng. Nhưng khi sinh con, cô đã chọn phương pháp sinh thường tại bệnh viện Cedars (Los Angeles, Mỹ) bởi cô đề cao vai trò làm mẹ.

 

 

Nguyễn Tình/SKGĐ

  • Thích và chia sẻ bài viết :

Bình luân