Hotline:
Banner
Tin Nóng

Bức ảnh "thức tỉnh" mọi người lớn: Đã đến lúc cha mẹ ngẩng đầu lên chưa?

24 Tháng Sáu 2016 11:03:28 SA

moitruong24h - “Bé trai ngồi rất ngoan trên ghế, chỉ vặn vẹo thôi chứ không chạy đi lanh quanh, ánh mắt thì buồn rười rượi; còn hai người bên cạnh vẫn chăm chú nhìn điện thoại"...

Trên một diễn đàn chuyên chia sẻ những bức ảnh đời thường, bức ảnh: “Hãy đặt máy xuống để thực sự bên con” của tay máy Đặng Thị Thu Thảo đã khiến không ít người giật mình. Bức ảnh ghi lại khoảnh khắc bất chợt của 3 nhân vật ngồi trên một chiếc ghế băng dài. Hai người lớn, một người đàn ông và một người phụ nữ ngồi ở hai đầu, cả hai đều chăm chú nhìn vào smartphone. Ở giữa chiếc ghế băng, một cậu bé đang mím chặt môi, mặt hơi cúi, hướng ánh nhìn xuống đất, khoanh tay trước ngực, ôm một chai nước suối. Giữa ánh nắng vàng của mùa hè, 3 người họ, tuyệt nhiên không có sự giao tiếp hay điều gì thể hiện một "mối liên quan" cụ thể. Cảm giác nổi bật nhất, khi ngắm nhìn cậu bé ở giữa ghế băng, đó là một nỗi cô đơn – cô đơn giữa thế giới của công nghệ, thế giới của người lớn.


Bức ảnh sẽ khiến nhiều bậc cha mẹ giật mình ngẩng mặt lên.

Cũng giống như Facebooker Lương Trung Kiên, nhiều người đồng tình, đây là một “Bức ảnh của cuộc sống hiện tại!” – bức ảnh đã vẽ lên đằng sau nó câu chuyện của những người lớn nghiện smartphone, mê mẩn thế giới ảo hơn là sự giao tiếp, trò chuyện và chơi cùng con trẻ. Đó là một thế giới mà chúng ta, những người lớn, trong đó có những người đã làm cha, làm mẹ, đắm chìm vào hằng giờ, hằng ngày, bất kể điều đang khiến ta bận rộn ấy có thực sự quan trọng, mà vô tình “đánh rơi” một thế giới thơ trẻ ngay bên cạnh mình.

Cũng có nhiều người khác cho rằng, bức ảnh trên không hẳn phản ánh “chính xác” thông điệp mà tác giả muốn nói đến, rằng chưa chắc ba nhân vật trong đó thực sự là một gia đình, và ông bố bà mẹ là người vô tâm hay mải smartphone đến độ “bỏ quên” con, trong nỗi cô đơn và sự bứt rứt vì chẳng có ai chơi cùng, chẳng có ai hỏi chuyện. Hay như nick Phạm Quang Anh phỏng đoán: “Nếu nhìn kỹ sẽ thấy cậu bé giống chị áo đen, có vẻ đây là mẹ con, còn anh bên tay trái thì chưa rõ có phải ba của bé không”.

Ba nhân vật có thực sự là một gia đình hay không, có lẽ cũng chẳng thực sự quan trọng, bởi nó đã truyền tải một thông điệp rất ý nghĩa và “tấn công” vào một hiện thực rõ rệt mà ta có thể nhìn thấy ở bất cứ đâu trên thế giới thời hiện đại này, giữa tàu điện ngầm, trong công viên, trong quán café… Những người lớn quá “bận rộn” với những niềm vui công nghệ, còn những đứa trẻ, nếu không trở thành bản sao, không vùi đầu vào những chiếc smartphone và trở thành “thế hệ cúi đầu” nối tiếp, sẽ bị bỏ một mình trong nỗi cô đơn.

Cá nhân người chụp bức ảnh này, chị Thu Thảo vẫn tin vào cảm nhận của mình, rằng đó thực sự là một gia đình. Chị kể, mình đã chụp lại bức ảnh ở một băng ghế quanh hồ Hoàn Kiếm, sau khoảng 15 phút lặng im quan sát họ. “Bé trai ngồi rất ngoan trên ghế, chỉ vặn vẹo thôi chứ không chạy đi lanh quanh, ánh mắt thì buồn rười rượi; còn hai người bên cạnh vẫn chăm chú nhìn điện thoại. Trong suốt thời gian đó, ba người không hề giao tiếp với nhau, cũng không nhìn nhau; nhưng cũng không có ai khác đến bên cạnh em bé cả. Mình nghĩ đó chính là bố mẹ bé. Và hình ảnh đó đập vào mắt mình nên mình chụp lại”.

Chị Thu Thảo chia sẻ, việc nhiều bố mẹ thời nay mê điện thoại thông minh hơn là mê con hoàn toàn có thật.

Chị tiết lộ, chuyện đó cũng xảy ra ngay trong chính gia đình mình. Chị chưa lập gia đình, chưa có con, chỉ thường chơi đùa với cháu mình, và những lúc đó, chị không dùng điện thoại thông minh. Tuy nhiên, mẹ của em bé thi thoảng cũng… lừa con chơi một mình rồi ngồi nghịch điện thoại, dù không thực sự có việc quan trọng cần giải quyết. Từ khía cạnh xã hội, chị băn khoăn: “Mình có cảm giác, các bạn nhỏ có bố mẹ mê smartphone rất cô đơn. Nhiều bé thậm chí rấm rứt, bức xúc kiểu như chỉ muốn được đi chơi nhưng không dám. Bố mẹ cứ mải mê điện thoại, chắc chắn sẽ hạn chế giao tiếp với trẻ. Nếu bé lớn tự chơi thì còn đỡ, chứ mấy em nhỏ nhỏ thì có thể dễ chậm nói, giao tiếp kém, thương lắm!”.

Một bức ảnh với thông điệp tương tự được tay máy Cấn Hưng chia sẻ.

Sức hấp dẫn khó cưỡng của điện thoại thông minh đã khiến bố mẹ trở nên bận bịu, thiếu quan tâm và gần gũi con cái khiến cho trẻ cảm thấy cô độc, cảm thấy như bị bỏ rơi trong chính tổ ấm của mình. Thậm chí, trong nhiều gia đình, những chiếc điện thoại thông minh bỗng biến thành “con mọn”, “con cưng” được chúng ta chăm chút, buộc chúng ta phải kè kè bên nó, chiếm dụng hầu hết mọi khoảng thời gian rảnh của ta, là nguồn vui vô tận của ta… chứ không phải là những đứa con bằng xương bằng thịt.

Nhìn bức ảnh này, bạn có thấy mình trong đó không? Bạn có nhớ cảnh mình mải mê “vuốt ve” chiếc smartphone, cười tủm tỉm khi lướt Facebook và thấy ảnh mình đăng lên có hàng trăm like, khoái chí vì thắng được ván game đã chinh phục cả tháng trời, trong khi em bé của bạn đang lẵng nhẵng bám dưới chân, nài nỉ mẹ cùng đọc một quyển sách hay buộc giúp một chùm tóc không?

Bạn có từng hẹn hò với chồng trong quán café, và mỗi người ôm một chiếc máy, và để con “an toàn”, bạn bắt con ngồi yên một chỗ cho dễ kiểm soát, thay vì thả cho chúng chạy lòng vòng chỗ này chỗ kia…

Nếu bạn cho rằng, trẻ con chưa biết gì, trẻ con không cảm nhận được nỗi cô đơn hay sự phớt lờ của bạn, hãy thử bỏ điện thoại xuống, và nhìn thật sâu vào trong mắt con, vào sự lấp lánh trong nụ cười của chúng khi chơi đùa cùng bạn. Và hãy đọc bài văn của một cậu bé lớp 2 ở Trung Quốc về một người mẹ suốt ngày mải mê xem điện thoại.

"Thứ 3, ngày 8/3

Hôm nay là ngày Quốc tế phụ nữ 8/3. Trong ngày này, mình muốn gửi lời cảm ơn tới mẹ của mình vì hàng ngày mẹ đều phải đi làm hết sức mệt mỏi, mình sẽ làm một vài việc cho mẹ.

Đầu tiên, mình kể cho mẹ nghe một câu chuyện nhỏ.

Nhưng hình như mẹ không thích nghe chuyện mình kể, mà cứ dán mắt vào điện thoại thôi. Điều này khiến mình rất buồn. Mình nghĩ có lẽ mẹ sẽ vui khi nghe lời chúc của mình, vậy nên mình đã gửi lời chúc mừng ngày 8/3 đến mẹ. Thế nhưng mẹ vẫn nhìn chằm chằm vào điện thoại khiến cho mình càng cảm thấy buồn hơn. Mình nghĩ cách này chắc cũng không được rồi, mình sẽ đấm lưng cho mẹ vậy. Mình dùng hết sức đấm lưng cho mẹ, nhưng mẹ vẫn không rời mắt khỏi chiếc điện thoại, gương mặt chẳng tươi tỉnh chút nào. Mình lại càng buồn hơn nữa. Sau đó, mình quyết định đi rửa chân cho mẹ. Lúc mình rửa chân cho mẹ, cuối cùng mẹ cũng rời mắt khỏi chiếc điện thoại. Việc này khiến mình cảm thấy vui hơn một chút nên càng ra sức rửa chân cho mẹ.

Khi đã hoàn thành nhiệm vụ, mình hy vọng sẽ được mẹ khen thưởng, thế mà mẹ lại chỉ nghiêm giọng nói với mình: "Hôm nay con rửa chân tốt đấy, nhưng lần sau rửa sạch hơn chút nữa nhé!" Mình thật sự rất buồn.

Thế rồi lúc đi ra khỏi phòng, mẹ còn không quên dặn dò mình: "Mau đi viết nhật ký đi!" Ngày quốc tế phụ nữ 8/3 của mình đã trôi qua một cách buồn chán như thế đó."

Nghiện smartphone không chỉ tiêu tốn quá nhiều thời gian, ảnh hưởng tới sức khỏe của bản thân, mà còn ảnh hưởng tới các mối quan hệ trong gia đình. Hãy đặt smartphone xuống và yêu thương nhiều hơn. Đừng để các con yêu bé bỏng phải cô độc ngay trong tổ ấm của chính mình. Lẽ nào, chơi với con không quan trọng bằng những niềm vui ảo, những thông tin ào ạt chảy trôi mỗi ngày trong thế giới công nghệ sao?

Đừng để bạn, và rất có thể trong tương lai, cả những đứa trẻ của bạn thuộc về thế hệ “cúi đầu” (theo đúng nghĩa đen), mải cúi đầu “phục vụ” công nghệ, quan tâm đến điện thoại và những thứ ảo hơn là cuộc sống tươi đẹp bên ngoài, hơn là hạnh phúc giản dị sát bên ta.

 

Huyền Trang/Trí Thức Trẻ

  • Thích và chia sẻ bài viết :

Bình luân