Moitruong24h - Ông Lê Văn Tâm, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, nhấn mạnh như vậy tại Ngày hội du lịch chợ nổi Cái Răng, ngày 9-7.
Ngày 9-7, UBND quận Cái Răng (TP Cần Thơ) tổ chức khai mạc Ngày hội du lịch chợ nổi Cái Răng. Đây là dịp kỷ niệm ngày Du lịch Việt Nam và văn hóa chợ nổi Cái Răng được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Ông Lê Văn Tâm - Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ nhấn mạnh việc bảo tồn văn hóa chợ nổi Cái Răng. Ảnh: N.NAM
Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Văn Tâm, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, đề nghị UBND quận Cái Răng sớm hoàn thành và triển khai đề án bảo tồn và phát triển chợ nổi Cái Răng, thực hiện tốt các chỉ đạo của lãnh đạo TP đối với việc cải tạo, nâng cấp chợ nổi Cái Răng, tạo điểm nhấn, thu hút khách du lịch đến TP.
“Hạn chế phá vỡ hiện trạng, đảm bảo an toàn giao thông thủy bộ và vệ sinh môi trường, thực phẩm. Đồng thời, phải bảo tồn tối đa những giá trị văn hóa tiêu biểu, đặc sắc của chợ nổi nhằm đáp ứng nhu cầu sinh kế của người dân và nhu cầu tham quan, mua sắm và ẩm thực của du khách” - ông Tâm nói.
Ông Nông Quốc Thành (bìa phải) - Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa thừa ủy quyền lãnh đạo Bộ VH-TT&DL trao bằng chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể văn hóa chợ nổi Cái Răng cho lãnh đạo quận Cái Răng. Ảnh: N.NAM
Có mặt tại ngày hội, anh Kevin (du khách người Mỹ) cho biết đây là lần đầu tiên anh đến chợ nổi Cái Răng và cũng là lần đầu đi chợ nổi. Kevin tỏ ra rất thú vị với hình ảnh các ghe bán hàng sắp xếp đẹp mắt trên một đoạn sông mà trên đó người ta bán đủ thứ hàng. Ngoài ra, du khách này còn bày tỏ rất thích những món ăn ở xứ này.
Chị Nguyễn Hồng Thắm, một người bán nước uống trên ghe ở chợ nổi này, cho biết chị đã buôn bán được 18-19 năm rồi. Mỗi ngày chị bán từ 5 giờ đến 9-10 giờ thì nghỉ và thu nhập khoảng trên 100.000 đồng. Chị Thắm có sáu đứa con. Chồng chị làm thợ hàn ở trên bờ. Hỏi chị có mong muốn gì không, chị nói “trông cho chợ đông đúc hơn nữa để buôn bán khấm khá hơn chứ thấy chợ càng ngày càng vắng nên cũng buồn”.
Chị Nguyễn Hồng Thắm hằng ngày chạy ghe máy đi bán nước uống cho khách du lịch và thương hồ ở chợ nổi Cái Răng. Ảnh: N.NAM
Chợ nổi Cái Răng được hình thành vào những năm đầu của thế kỷ 20, trước khi xuất hiện các chợ nổi Ngã Bảy (Hậu Giang), Ngã Năm (Sóc Trăng). Chợ nằm trên trục đường thủy sông Cần Thơ - kênh xáng Xà No nên rất thuận tiện cho việc giao thương, buôn bán với các tỉnh lân cận và cả vùng ĐBSCL. Đây là lý do chợ nổi Cái Răng có quy mô lớn và sầm uất nhất so với các chợ nổi trong vùng.
Hàng hóa được bày bán ở chợ nổi rất phong phú, gồm nhóm hàng nông sản; nhóm hàng thủ công, gia dụng; nhóm hàng thực phẩm chưa chế biến và chế biến sẵn; hàng gia dụng thiết yếu hằng ngày…
Hình thức chào hàng khá độc đáo ở chợ nổi Cái Răng là sử dụng cây bẹo. Người bán loại hàng nông sản nào thì treo loại hàng đó lên một cây sào trên ghe để chào hàng.
Hiện nay chợ nổi Cái Răng nằm trên sông Cần Thơ, cách cầu Cái Răng 600 m, diện tích mặt nước tương đối rộng nằm trên địa bàn quận Cái Răng với khoảng 300-400 ghe họp chợ mỗi ngày.
Mỗi ngày chợ có 300-400 ghe hàng về họp. Ảnh: N.NAM
Cây bẹo là cây sào treo trên đầu món hàng mình cần bán. Như trong ảnh là bốn cây bẹo treo dưa hấu, cà rốt và củ cải trắng. Ảnh: N.NAM
Việc mua bán diễn ra ngay trên sông nước, khi đồng ý mua hàng, người mua-kẻ bán chuyển hàng từ ghe này sang ghe kia... Ảnh: N.NAM
Một người bán vé số ở chợ nổi Cái Răng. Ảnh: N.NAM
Nhẫn Nam/Pháp Luật TP HCM
17:14 05-09-2017
15:17 22-08-2017
14:11 16-01-2018
13:16 17-07-2016
11:11 18-12-2017
Bình luân