Hotline:
Banner
Tin Nóng

7 bí ẩn hóc búa nhất về vũ trụ

20 Tháng Bảy 2016 9:36:04 CH

Moitruong24h - Bất chấp các tiến bộ về khoa học, kỹ thuật cũng như vô số thành tựu trong thám hiểm không gian, vũ trụ vẫn chứa đựng rất nhiều bí ẩn mà con người vẫn chưa thể giải đáp được. Dưới đây là 7 bí ẩn được coi là hóc búa nhất trong số đó.

Lỗ đen

Các lỗ đen về cơ bản giống như những vùng lún nguy hiểm nhất vũ trụ. Chúng hình thành khi một ngôi sao khổng lồ sụp đổ, nổ tung thành một vùng nhỏ có trọng lực cực mạnh, mạnh đến mức ngay cả ánh sáng xung quanh cũng bị hút vào trong. Điều này đồng nghĩa, mặc dù chúng ta có khả năng phán đoán về cơ chế hoạt động của các lỗ đen, chúng ta vẫn chưa từng thực sự nhìn thấy chúng. Các lỗ đen vô hình trước các kính viễn vọng không gian, vốn thu nhận bức xạ điện từ, ánh sáng hoặc các tia X. Chúng ta chỉ có thể phỏng đoán chúng trông như thế nào ở bên trong.

Khoảng chân không khổng lồ

Không giống như lỗ đen, khoảng chân không khổng lồ không phải là một lỗ hổng trong không gian. Thay vào đó, nó là khoảng không gian không chứa vật chất và vật chất tối. Khác với lỗ đen, ánh sáng có thể đi xuyên qua khoảng chân không này, mặc dù các nhà khoa học tin rằng nó chứa năng lượng tối.

Đây không phải là khoảng chân không duy nhất trong vũ trụ, nhưng là khoảng chân không lớn nhất, ước tính có đường kính bằng 1,3 tỉ năm ánh sáng.

Vật chất tối

Cho tới nay, vật chất tối vẫn là một bí ẩn, nhưng chúng ta đang dựa vào nó để giúp lí giải một số điều chưa biết trong vũ trụ. Các nhà vũ trụ học tin rằng, vật chất tối chiếm tới 27% vũ trụ của chúng ta.

Giới khoa học dường như biết rõ vật chất tối không phải là gì hơn. Theo nhiều nhà nghiên cứu, vật chất tối không bao gồm các lỗ đen, do không gây ra hiện tượng uốn cong ánh sáng. Tuy nhiên, một số chuyên gia khác đưa ra giả thuyết rằng, vật chất tối trong vũ trụ cấu tạo từ các lỗ đen sơ khai.

Năng lượng tối

Ngoài 27% vũ trụ được tin là vật chất tối, một tỉ lệ lớn còn lại ở dạng năng lượng tối. Các nhà khoa học tin rằng, năng lượng tối chiếm tới khoảng 68% mọi thứ quanh chúng ta (vật chất "thông thường" mà chúng ta biết chỉ chiếm 5% vũ trụ). Và giống như vật chất tối, chúng ta không biết nhiều về năng lượng tối, nhưng theo giả thuyết hiện thời, nó đứng đằng sau sự giãn nở ngày càng tăng của vũ trụ (ngược lại, vật chất tối làm chậm lại quá trình này).

Phần lớn vốn hiểu biết của chúng ta về vật chất tối và năng lượng tối bắt nguồn từ nền vi sóng vũ trụ, dấu vết của bức xạ nhiệt khoảng 380.000 năm sau vụ nổ Big Bang, khi các nguyên tử hyđro hình thành lần đầu tiên.

Điểm hút lớn

Hiện trong vũ trụ tồn tại một thứ sở hữu lực hấp dẫn cực mạnh, cách chúng ta khoảng 220 triệu năm ánh sáng và đang hút kéo toàn bộ thiên hà của chúng ta về phía nó.

Kể từ sau vụ nổ Big Bang, toàn bộ vũ trụ đang giãn nở, nên việc thiên hà của chúng ta dịch chuyển là dễ hiểu. Tuy nhiên, nó đang không di chuyển theo hướng giãn nở. Điều này ám chỉ sự tồn tại của một lực hấp dẫn bất thường, gọi là điểm hút lớn. Một số nhà nghiên cứu nhận định, thiên hà của chúng ta - Dải Ngân hà - đang che khuất tầm nhìn về thủ phạm đang hút kéo chúng ta về phía nó với vật tốc 2,25 triệu km/h.

"Peggy", mặt trăng bí ẩn của sao Thổ

Trong một thời gian ngắn, sao Thổ từng có một vệ tinh tí hon, bí ẩn, được đặt tên là Peggy.

Năm 2013, tàu thám hiểm Cassini của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) từng chụp bức ảnh về các vòng bao quanh sao Thổ và phát hiện một sự nhiễu loạn mà các nhà thiên văn học tin là quá trình hình thành một mặt trăng mới, tí hon. Khám phá này đã hé lộ việc 67 vệ tinh khác của sao thổ đã phát triển như thế nào.

Đáng tiếc là, trong một thông cáo báo chí sau đó, phòng thí nghiệm động lực học phản lực JPL của NASA cho biết, "vật thể dự kiến sẽ không phát triển lớn hơn nữa và thậm chí có thể đang tan vỡ". Hiện người ta không rõ tình trạng của Peggy.

"Ngôi sao của Tabby" KIC 8462852

Năm 2015, các nhà nghiên cứu phát hiện, ánh sáng phát tỏa từ một ngôi sao giống mặt trời, ở cách chúng ta 1.500 năm ánh sáng đang dao động một cách vô cùng dị thường. Kể từ đó, các chuyên gia thiên văn học đã cố gắng bác bỏ khả năng người ngoài hành tinh là nguyên nhân gây hiện tượng lạ, nhưng cho tới hiện giờ vẫn không thể làm được điều đó.

Ngôi sao bí ẩn nói trên được đặt biệt hiệu là KIC 8462852 hay "Ngôi sao của Tabby". Tháng 11/2015, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Pennsylvania (Mỹ) công bố một phát hiện vô cùng dị thường về KIC 8462852: Ánh sáng của nó đang dao động theo cách họ không thể lí giải nổi trong suốt 4 năm vừa qua.

Một cách giải thích khả thi là, một "siêu cấu trúc" khổng lồ đang được xây dựng quanh ngôi sao để thu thập năng lượng dồi dào của nó. Siêu cấu trúc còn được gọi là "quả cầu Dyson" này được cho là sẽ hé lộ sự tồn tại của một nền văn minh tiên tiến ngoài hành tinh.

Các nhà khoa học đến từ Đại học Louisiana (Mỹ) sau đó cho biết, ngôi sao đã bị mờ tối đi 20% trong một thế kỷ qua. Điều này càng củng cố một quan điểm khó tin nói trên.

Tuy nhiên, một nghiên cứu mới đây vào tháng 4/2016 đã bác bỏ tuyên bố về sự mờ tối đi 20% của KIC 8462852. Theo nhóm nghiên cứu, dữ liệu không chính xác và do đó không đáng tin cậy. Các nhà thiên văn học vẫn đang cố gắng lí giải các dao động ánh sáng dị thường của Ngôi sao của Tabby.

 

 

 

 

 

Tuấn Anh /VietnamNet

  • Thích và chia sẻ bài viết :

Bình luân